Sớm gỡ 2 nút thắt lớn

Vướng mắc trong giải phóng mặt bằng và sự thiếu trách nhiệm trong công vụ của một bộ phận không nhỏ công chức, được nhìn nhận là 2 nút thắt lớn của công tác đầu tư công.

Chỉ giải ngân được vốn năm… 2022

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm cũng như công tác giải ngân đầu tư công đạt tiến độ 95%-100%, Thành ủy, UBND, HĐND TPHCM lập các đoàn kiểm tra, giám sát tiến độ thực hiện nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Qua đợt giám sát cho thấy, các dự án đều có điểm chung “vướng mặt bằng thi công”, khiến hàng loạt dự án dang dở dù đã thi công hoàn thành trên 95% công trình.

Năm 2023, TPHCM phải giải ngân vốn đầu tư công phần bồi thường gần 26.900 tỷ đồng, trong đó có gần 5.700 tỷ đồng vốn còn của năm 2022 phải tiếp tục thực hiện và gần 21.200 tỷ đồng vốn được giao mới của năm 2023. Đây là số vốn bồi thường cao kỷ lục cho công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định của TPHCM từ trước tới nay, đòi hỏi phải nỗ lực rất lớn để hoàn thành.

Giao thông phức tạp tại vòng xoay Phú Hữu trên đoạn đường Võ Chí Công và đường Nguyễn Duy Trinh. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Giao thông phức tạp tại vòng xoay Phú Hữu trên đoạn đường Võ Chí Công và đường Nguyễn Duy Trinh. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Tính đến ngày 3-10, vốn đầu tư công phần bồi thường đã giải ngân được hơn 12.700 tỷ đồng, đạt 49,48% kế hoạch. Tỷ lệ này cao hơn tỷ lệ giải ngân chung của TPHCM (31%). Số tiền giải ngân cũng cao gấp 4,27 lần so với 9 tháng đầu năm 2022. Nhưng để đạt được mục tiêu giải ngân trên 95% còn phải nỗ lực rất lớn, nhất là khi đến nay còn 3 địa phương (quận 3, quận 5, quận 6) giải ngân 0 đồng phần vốn mới được giao năm 2023.

Địa phương giải ngân cao nhất là huyện Củ Chi cũng mới gần đạt mục tiêu 70% mà TPHCM đề ra. Xét về dự án, có 31/150 dự án mới của năm 2023 đảm bảo tỷ lệ giải ngân, 31 dự án chậm tiến độ giải ngân và 88 dự án chưa thực hiện giải ngân. Trong số các dự án có vốn bồi thường trên 300 tỷ đồng, hiện có một số dự án có khả năng hoàn thành trong năm 2023 là: dự án Vành đai 3, dự án đường Dương Quảng Hàm (quận Gò Vấp), dự án đường Lò Lu, dự án Rạch Xóm Củi… Còn lại đang vướng thủ tục pháp lý hoặc chưa hoàn tất công tác chuẩn bị.

Dự án nút giao Mỹ Thủy và dự án đường Lã Xuân Oai (TP Thủ Đức) chưa được bố trí quỹ tái định cư nên chưa phê duyệt được hệ số điều chỉnh giá đất. Dự án Kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên giai đoạn 2, phía quận 12 đã xin chuyển 600 tỷ đồng bồi thường dự án này từ năm 2023 sang năm 2024. Dự án metro 2, dự án cụm trường công lập theo tiêu chuẩn quốc gia tại khu đất công trình công cộng phường 6, quận Tân Bình đang vướng thủ tục pháp lý.

Dự án Kênh Hàng Bàng, phần đi qua địa bàn quận 5 chưa xong công tác xác lập hồ sơ bồi thường, chưa phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất. Ngoài các dự án lớn kể trên, có 117 dự án Sở KH-ĐT dự kiến sẽ không giải ngân hết do vướng bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Sở TN-MT đánh giá, với kết quả này, các địa phương có khả năng chỉ giải ngân được phần vốn của năm trước. Còn vốn của năm nay lại phải vắt qua năm sau thực hiện tiếp.

Sự phối hợp “chệch choạc”

Thực tế đã chỉ ra công tác chuẩn bị, sự phối hợp giữa các địa phương, đơn vị liên quan chưa được thực hiện tốt, dẫn đến chậm trễ trong giải ngân đầu tư công. Sở TN-MT thống kê có tới 40 dự án do UBND địa phương chậm trong công tác chuẩn bị, dẫn đến chưa phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất hoặc đã được phê duyệt nhưng chậm thực hiện bồi thường, dẫn đến không có mặt bằng cho chủ đầu tư thi công.

Sở cũng chỉ ra, do công tác lập dự toán chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án chưa chính xác, dẫn đến sau khi UBND địa phương xác lập xong hồ sơ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của từng trường hợp bị ảnh hưởng thì dư ra một số vốn không thể giải ngân (!?).

Theo quy định, từ khi có thông báo thu hồi đất đến khi UBND TPHCM phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất là khoảng 240 ngày (8 tháng). Ngay từ đầu năm, Sở TN-MT đã có công văn đề nghị UBND các địa phương hoàn tất công tác trình, thẩm định, phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất để tính bồi thường, hỗ trợ, tái định cư các dự án chậm nhất là tháng 7. Nhưng đến giữa tháng 9, có tới 65/155 dự án vẫn chưa trình duyệt được, với số vốn được giao gần 5.000 tỷ đồng. Các dự án này gần như sẽ không thể, hoặc chỉ có thể giải ngân một phần nhỏ trong năm nay.

Sở TN-MT đánh giá, nguyên nhân chính là lãnh đạo UBND địa phương chưa thể hiện được vai trò của người đứng đầu, không mạnh dạn, chủ động giải quyết các vấn đề thuộc thẩm quyền của địa phương, nhất là trong công tác xác minh nguồn gốc, quá trình sử dụng, tạo lập nhà đất để từ đó xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người bị thu hồi đất.

Có những vụ việc, các phòng ban chuyên môn của quận, huyện chưa thống nhất ý kiến với nhau nhưng lãnh đạo UBND địa phương không chủ động chỉ đạo giải quyết dứt điểm. Có những vụ việc mặc dù các sở, ngành đã có ý kiến hướng dẫn nhưng UBND địa phương vẫn không thực hiện mà lại tiếp tục có văn bản xin ý kiến.

Ở dự án cụm trường công lập theo tiêu chuẩn quốc gia tại khu đất công trình công cộng thuộc phường 6, quận Tân Bình, Sở TN-MT cho biết đã hướng dẫn 8 bước để hỗ trợ người dân, nhưng UBND quận Tân Bình có ý kiến là không thực hiện được. Sở đánh giá UBND quận Tân Bình chưa thực sự quyết tâm thực hiện công tác hỗ trợ di dời.

Dự án Vành đai 3 được xem là “kiểu mẫu” trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của TPHCM. Tuy nhiên, cũng có thời điểm Sở TN-MT phải than phiền rằng sở đã tích cực giải quyết, tháo gỡ hết các vướng mắc, khó khăn của dự án trên địa bàn TP Thủ Đức, nhưng tiến độ giải quyết hồ sơ cụ thể của địa phương không tương ứng với kết quả giải quyết khó khăn mà sở đã thực hiện.

* TS VÕ KIM CƯƠNG, nguyên Phó Kiến trúc sư Trưởng TPHCM:

Xử nghiêm, không du di sai phạm

Dự án nào chậm, chậm ở khâu nào, đơn vị nào làm chậm phải phân định rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm khắc. Đối với nhà thầu, cần phải căn cứ vào hợp đồng thi công giữa hai bên. Nếu đơn vị thi công không hoàn thành đúng theo hợp đồng (trừ một số trường hợp bất khả kháng) thì cần phải chế tài, xử lý nghiêm, không du di.

Nếu chúng ta xử lý đâu ra đấy, các nhà thầu không thể chây ì được. TPHCM có nhiều dự án giao thông, nâng cấp đô thị đang ngưng thi công trong một thời gian dài, chưa biết khi nào xong, gây thiệt hại rất lớn về mọi mặt. Tuy nhiên, trách nhiệm và việc xử lý vẫn cứ chung chung, chưa rõ ràng.

* Ông NGUYỄN HỮU NAM, Phó Giám đốc VCCI TPHCM:

Gỡ tình huống pháp lý có thể dẫn tới nhiều cách hiểu

Hiện nay có một vấn đề, không chỉ trong lĩnh vực đầu tư công mà nhìn chung nhiều lĩnh vực khác, là một số quy định pháp luật có thể dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau. Khi xảy ra các tình huống pháp lý thì người dân, doanh nghiệp có thể phải đối mặt với những rủi ro lớn nếu quy định pháp luật được hiểu theo hướng bất lợi.

Đặc thù trong lĩnh vực đầu tư công là sử dụng vốn ngân sách nhà nước, với số vốn trong nhiều dự án cực lớn. Từ người cho phép đến người thực thi đều có thể đối mặt với rủi ro pháp lý này. Nếu tháo gỡ được vấn đề này thì không chỉ lĩnh vực đầu tư công mà các lĩnh vực khác đều sẽ có được sự cải thiện lớn.

Tin cùng chuyên mục