Sớm giải quyết chênh lệch cung - cầu vaccine

Trong khi các cơ sở y tế công lập có chức năng tiêm chủng như trạm y tế phường - xã, bệnh viện, trung tâm tiêm chủng công lập luôn trong tình trạng thiếu vaccine thì một số cơ sở tiêm chủng tư nhân lại dư dả vaccine, thậm chí nhiều loại vaccine “hiếm có khó tìm” cũng dễ dàng được đặt mua nếu… có điều kiện.

Nơi thừa, nơi thiếu

Đến hẹn, chị Nguyễn Thụy An (phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân, TPHCM) đưa con đến trạm y tế phường tiêm vaccine viêm não. Theo quy định, vaccine này được tiêm miễn phí theo Chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR). Thế nhưng, nhân viên trạm y tế thông báo vaccine viêm não Nhật Bản đã hết. Để đảm bảo đúng tiến độ tiêm chủng và sợ ảnh hưởng đến sức khỏe, chị Thụy An đã đưa con đến một cơ sở y tế tư nhân, bỏ tiền túi mua vaccine tiêm cho con.

H1a.jpg
Nhân viên Trung tâm Y tế quận Tân Bình (TPHCM) tiêm vaccine tiêm chủng mở rộng cho trẻ. Ảnh: MINH TRÍ

Không chỉ vaccine trong Chương trình TCMR bị khan hiếm, mà nhiều vaccine bổ sung phòng ngừa các loại bệnh khác ngoài danh sách được chi trả trong Chương trình TCMR và các loại vaccine phòng bệnh dành cho người lớn cũng bị “đứt hàng” ở các điểm tiêm chủng công lập. Ngày 7-10, Viện Pasteur TPHCM thông báo, nhiều loại vaccine như: vaccine 4 trong 1 (bạch hầu, uốn ván, ho gà, bại liệt - vaccine Tetraxim), vaccine cúm (Vaxigrip-tetra), vaccine thương hàn (Typhim VI), vaccine viêm màng não do não mô cầu (Menactra)… đã hết. Các điểm tiêm chủng của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM cũng “lỗi hẹn” với người dân vì một số loại vaccine hết hàng.

Trong khi đó, các điểm tiêm chủng tư nhân luôn khẳng định đáp ứng được nhu cầu tiêm chủng của người dân với đầy đủ các loại. Là ông lớn trong “làng” tiêm chủng, VNVC luôn cam kết “không lo thiếu vaccine”, đồng thời cho biết đơn vị sở hữu lợi thế với các đối tác chiến lược như Glaxosmithkline (Bỉ), Sanofi Pasteur (Pháp), Pfizer (Mỹ), Merck Sharp and Dohme (Mỹ)… Do đó, VNVC được đàm phán trực tiếp, độc lập nhập khẩu chính hãng vaccine số lượng lớn, nhất là đối với các vaccine thường xuyên khan hiếm. Trung tâm Tiêm chủng Long Châu cũng khẳng định luôn có đủ loại vaccine phòng các loại bệnh và đa dạng các quốc gia sản xuất cho người dân lựa chọn.

Theo một chuyên gia trong lĩnh vực y tế dự phòng, trước đây, thị trường tiêm chủng ở Việt Nam tập trung chủ yếu ở các khối bệnh viện và trung tâm y tế công lập. Tuy nhiên, thế độc quyền cùng với cơ chế mua sắm, đấu thầu vaccine với nhiều thủ tục hành chính dẫn đến tình trạng thỉnh thoảng thiếu vaccine và khiến cho việc tiêm chủng của trẻ em nhiều lần bị gián đoạn. Dù vậy, việc dư luận phản ánh các cơ sở tiêm chủng tư nhân đang “thống lĩnh thị trường vaccine”, các cơ sở y tế công lập “đẩy người dân đến các cơ sở tiêm vaccine dịch vụ bằng cách tuyên bố hết vaccine TCMR” cũng chỉ là hiện tượng, chưa có cơ sở xác định.

Vaccine dịch vụ tốt hơn vaccine miễn phí?

Trước thông tin nhiều cơ sở tiêm chủng công lập luôn khan hiếm vaccine, nhiều trường hợp sốc phản vệ, thậm chí tử vong khi tiêm vaccine miễn phí đã khiến nhiều phụ huynh đưa trẻ đi tiêm vaccine dịch vụ và cho rằng vaccine bỏ tiền ra mua có chất lượng tốt hơn vaccine miễn phí, PGS-TS Trần Đắc Phu (nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế), cho rằng, không thể nói vaccine dịch vụ tốt hơn vaccine miễn phí trong Chương trình TCMR. Bởi vaccine trong Chương trình TCMR hay vaccine dịch vụ trước khi đưa vào sử dụng đều phải được Bộ Y tế cấp phép lưu hành; được kiểm định tính an toàn và hiệu quả chặt chẽ. Vaccine trong Chương trình TCMR là do Nhà nước trả tiền để mua và được các tổ chức quốc tế hỗ trợ.

longchau.jpg
Nhân viên Trung tâm Tiêm chủng Long Châu đang tiêm vaccine cho người dân

“Thực tế là trên 90% trẻ em dưới 1 tuổi đã được sử dụng các vaccine trong Chương trình TCMR hàng năm. So với trước khi triển khai tiêm chủng, các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trong Chương trình TCMR đã giảm rõ rệt, từ hàng chục đến hàng trăm lần. Một số bệnh đã được thanh toán và loại trừ: bệnh bại liệt đã được thanh toán từ năm 2000, bệnh uốn ván sơ sinh đã được loại trừ từ năm 2005”, PGS-TS Trần Đắc Phu khẳng định.

Liên quan đến việc người dân các tỉnh Bến Tre, An Giang, Quảng Trị... phản ánh vaccine trong Chương trình TCMR đang rất thiếu và khan hiếm; tỷ lệ trẻ được tiêm chủng đạt thấp, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát một số bệnh nguy hiểm ở trẻ, ngày 30-9, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã có văn bản trả lời: Đây là năm đầu tiên các địa phương triển khai thực hiện mua sắm vaccine TCMR từ ngân sách địa phương nên gặp nhiều khó khăn trong việc bố trí, phê duyệt kinh phí, vướng mắc thủ tục đấu thầu, phê duyệt giá...

Để khắc phục tình trạng này, Bộ Y tế đã trình Chính phủ báo cáo Quốc hội và được Quốc hội ủng hộ, chỉ đạo bố trí ngân sách Trung ương để tiếp tục thực hiện mua sắm vaccine trong Chương trình TCMR. Bộ Y tế đã hướng dẫn, chỉ đạo các tỉnh, thành phố trên cả nước tổng hợp nhu cầu vaccine và hoàn thành thủ tục mua sắm 10 loại vaccine sản xuất trong nước; đồng thời tiếp tục chỉ đạo các đơn vị liên quan để đảm bảo cung ứng đủ vaccine trong thời gian tới, chỉ đạo các địa phương chủ động triển khai hoạt động tiêm chủng, tăng cường giám sát, phát hiện dịch và triển khai đồng bộ các biện pháp phòng bệnh khoanh vùng, không để bệnh lây lan.

Bổ sung hơn 424 tỷ đồng tiêm chủng mở rộng

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đã ký quyết định bổ sung dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2024 của Bộ Y tế để thực hiện hoạt động tiêm chủng mở rộng (TCMR). Theo đó, bổ sung dự toán chi sự nghiệp y tế, dân số và gia đình năm 2024 của Bộ Y tế số tiền 424,514 tỷ đồng để thực hiện hoạt động TCMR từ nguồn dự toán chi thường xuyên của ngân sách trung ương năm 2024. Bộ Tài chính, Bộ Y tế chịu trách nhiệm về các nội dung, số liệu báo cáo, đề xuất. Việc quản lý, sử dụng, thanh quyết toán số kinh phí được bổ sung phải bảo đảm đúng quy định, đúng chế độ chính sách, hiệu quả, tiết kiệm, công khai, minh bạch, đúng mục đích sử dụng, không để thất thoát, tiêu cực, lãng phí..

Vaccine giúp trẻ sống và khỏe mạnh

Theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), vaccine giúp trẻ sống và khỏe mạnh bằng cách bảo vệ và chống lại bệnh tật. Ở Việt Nam, tiêm chủng đã cứu hàng triệu mạng sống và bảo vệ vô số trẻ em khỏi bệnh tật, khuyết tật. Chương trình TCMR quốc gia, với sự hỗ trợ của UNICEF, đã thanh toán thành công các bệnh bại liệt, uốn ván trẻ sơ sinh và phòng bệnh sởi. Trong 25 năm qua, vaccine đã bảo vệ được 6,7 triệu trẻ em Việt Nam và ngăn chặn 42.000 ca tử vong do các bệnh chết người ở trẻ em, như bệnh bạch hầu, ho gà, bại liệt, uốn ván.

Việt Nam tiếp cận nhiều vaccine mới, hiếm

Hệ thống tiêm chủng VNVC vừa triển khai tiêm vaccine sốt xuất huyết và vaccine zona thần kinh (giời leo) cho người lớn. Đây là những loại vaccine hiếm, lần đầu tiên được tiêm chủng tại Việt Nam. Theo VNVC, trong gần 8 năm qua, đơn vị đã cùng các hãng vaccine hàng đầu thế giới đưa về Việt Nam 13 loại vaccine mới, giúp người dân có thêm cơ hội tiêm nhiều loại vaccine quan trọng để phòng nhiều bệnh nguy hiểm. Từ đầu năm 2024 đến nay, VNVC đã mang về 4 loại vaccine mới phòng bệnh viêm màng não mô cầu B thế hệ mới, vaccine phế cầu 23, vaccine sốt xuất huyết và vaccine zona thần kinh để phục vụ tiêm chủng phòng ngừa mắc mới và tái mắc bệnh cho người từ 18 tuổi.

Cuộc cạnh tranh trong hoạt động tiêm chủng

Trong bối cảnh các loại dịch bệnh đang có xu hướng trở nên phức tạp, nhu cầu tiêm vaccine phòng bệnh là rất cần thiết, nhiều trung tâm tiêm chủng dịch vụ ra đời trên khắp cả nước để đáp ứng nhu cầu của người dân. Thị trường hiện có 3 chuỗi tư nhân lớn cung cấp dịch vụ tiêm chủng, bao gồm: VNVC, Long Châu, Nhi đồng 315. Từ trung tâm tiêm chủng đầu tiên vào tháng 7-2023, đến nay Long Châu đã có 110 trung tâm và đặt mục tiêu mở rộng lên 150 trung tâm tiêm chủng vào giai đoạn 2025-2026. VNVC đã có gần 200 trung tâm tiêm chủng trải dài khắp cả nước, với cơ sở vật chất hiện đại, khang trang. Từ cuối năm 2023, các bệnh viện thuộc hệ thống công lập cũng liên tục mở trung tâm tiêm chủng dịch vụ, như Bệnh viện Hùng Vương, Bệnh viện Đại học Y dược, Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện Nhi đồng 1…

Tin cùng chuyên mục