Tính đến tháng 5-2021, ngành giáo dục còn thừa hơn 10.000 giáo viên bậc phổ thông, nhưng tổng thể, toàn ngành lại thiếu gần 95.000 giáo viên từ mầm non đến THPT, trong đó, bậc mầm non thiếu nhiều nhất, với gần 50.000 giáo viên. Vẫn còn tình trạng thừa - thiếu cục bộ giáo viên ở một số môn học, cấp học và một số địa phương, như: trong cùng một địa phương thừa giáo viên các môn như Ngữ văn, Toán…, song thiếu giáo viên dạy các môn đặc thù như: Tin học, Tiếng Anh, Nghệ thuật…
Câu chuyện thừa - thiếu giáo viên không mới, nếu không muốn nói là thực tế đã tồn tại quá lâu. Mặc dù những năm gần đây, các địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp để giải bài toán thừa - thiếu giáo viên như bố trí, sắp xếp, điều chuyển giáo viên..., nhưng tình trạng thiếu giáo viên vẫn chưa thể khắc phục. Trong bối cảnh các địa phương vừa phải giải quyết bài toán thiếu giáo viên lại vừa phải thực hiện chính sách tinh giản biên chế, vấn đề này còn trở nên nan giải hơn. Vậy giải pháp là gì? Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đã khẳng định phải có giải pháp tổng thể, lâu dài và bền vững để giải quyết vấn đề thừa - thiếu giáo viên. Đây là việc không phải của riêng ngành giáo dục vì còn liên quan đến các chính sách của quốc gia, địa phương. Yêu cầu ở đâu có học sinh ở đó phải có giáo viên đứng lớp cũng là phương châm của Bộ Chính trị, do đó không thể để câu chuyện thiếu giáo viên kéo dài.
Để giải bài toán thiếu giáo viên, trước hết, các địa phương phải vào cuộc quyết liệt trong việc quy hoạch, sắp xếp lại hệ thống trường lớp; chủ động điều tiết giáo viên ngay trong địa phương phù hợp với vùng miền, bậc học; chuyển đổi mô hình các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông từ công lập ra ngoài công lập ở những nơi có khả năng xã hội hóa cao… Về phía Bộ GD-ĐT, ngoài việc phối hợp với Bộ Nội vụ đề xuất bổ sung biên chế cho viên chức giáo dục, ưu tiên đầu tiên cho khối mầm non và khu vực đô thị, thì cũng cần sớm ban hành chiến lược phát triển giáo dục mầm non, phổ thông. Ngành giáo dục cần tập trung rà soát lại quy mô, mạng lưới trường lớp mầm non, phổ thông trong cả nước để tính toán, sắp xếp lại cho phù hợp theo hướng tinh gọn các đầu mối. Đặc biệt, cần cấp bách thực hiện việc đào tạo giáo viên theo địa chỉ sử dụng.
Mới đây, Bộ GD-ĐT đã có công văn đề nghị các địa phương rà soát thông tin đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh, đào tạo ngành sư phạm năm 2022 và đề xuất nhu cầu từ năm 2023-2025. Đây là một trong các căn cứ quan trọng để Bộ GD-ĐT xác định chỉ tiêu tuyển sinh cho cơ sở đào tạo ngành sư phạm. Nếu có điều chỉnh nhu cầu này, Bộ GD-ĐT đề nghị trước ngày 31-12 các năm 2022-2024, các địa phương phải báo cáo lại.
Như vậy, nếu đào tạo giáo viên theo địa chỉ sử dụng được thực hiện một cách triệt để, chúng ta sẽ sớm giải quyết được câu chuyện thừa - thiếu giáo viên. Chính phủ cũng đã có Nghị định số 116/2020/NĐ-CP về việc đặt hàng, giao nhiệm vụ, hoặc đấu thầu đào tạo giáo viên. Do đó, các trường sư phạm và địa phương cần tăng cường phối hợp chặt chẽ để đặt hàng đào tạo giáo viên trên nhu cầu thực tế của địa phương, đảm bảo chất lượng, đủ về số lượng và sát với nhu cầu. Đây cũng là yếu tố mấu chốt tạo sự hấp dẫn cho ngành sư phạm để thu hút học sinh giỏi. Bởi, lâu nay, dù chính sách đãi ngộ học phí đối với sinh viên ngành sư phạm được thực thi, nhưng tình trạng khó xin việc khi ra trường là rào cản với rất nhiều người trẻ. Đào tạo theo địa chỉ sử dụng sẽ tạo cơ hội lớn cho người học sư phạm có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp.
Hiện Bộ GD-ĐT cũng đã đề nghị Chính phủ xây dựng, trình Quốc hội ban hành Luật Nhà giáo để tạo hành lang pháp lý cho việc xây dựng, ban hành các chính sách, pháp luật về tuyển dụng, sử dụng, quản lý đội ngũ giáo viên, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Hy vọng với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, bài toàn thừa - thiếu giáo viên sẽ được giải quyết triệt để trong tương lai gần.