Ban tổ chức hội thảo kỳ vọng ghi nhận thêm những góc nhìn, đánh giá tổng hợp về ngành công nghiệp golf của Việt trong 10 năm qua và những cơ hội, thách thức trong thời gian tới.
Thăng trầm môn golf ở Việt Nam
Trong gần 10 năm qua, môn thể thao golf tại Việt Nam đã và đang dần trở thành một ngành công nghiệp thực sự khi có nhiều đóng góp lớn cho kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, làm thế nào để golf Việt Nam duy trì được đà tăng trưởng, phát triển bền vững; để Việt Nam trở thành quốc gia hàng đầu về golf? Đó là vấn đề được nhiều người quan tâm đặt ra.
Là chuyên gia trong lĩnh vực golf tại Việt Nam, ông Nguyễn Nam Giang, sáng lập viên của mạng xã hội GolfEdit, The Golfers, bình luận viên kênh On Golf, chia sẻ, golf du nhập Việt Nam từ hơn 100 năm trước với sự ra đời của sân golf Đồi Cù (nay là sân Đà Lạt Palace, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng). Thế nhưng phải tới những năm 1980-1990, khi Việt Nam bắt đầu mở cửa kinh tế, bộ môn này mới chính thức được để ý và sân golf Đồng Mô (nay thuộc thị xã Sơn Tây, TP Hà Nội) được coi là một mô hình kinh doanh thực sự về golf.
Sau năm 2000, nhất là giai đoạn 2014-2015 trở lại đây, golf Việt Nam có sự phát triển thần tốc với gần 66 sân golf, lượng người chơi vượt mốc 120.000 người cùng hơn 30 sự kiện, giải đấu hàng năm (chưa kể các giải đấu phong trào, doanh nghiệp…).
Theo thống kê, TP Hà Nội đang dẫn đầu cả nước về số lượng câu lạc bộ (CLB) golf, với trên 130 CLB thành viên, trong khi Hội Golf TPHCM có nền tảng giải đấu truyền thống được duy trì hàng năm nhiều nhất với 9 sự kiện golf chính. Tại khu vực miền Bắc, nơi được coi là “lá cờ đầu” trong việc phát triển golf phong trào, hàng loạt sự kiện tiêu biểu như giải đấu golf dành cho các CLB golf hệ tuổi, CLB Golf dòng họ, CLB golf cựu sinh viên… thu hút hàng ngàn golfer (người chơi golf) tham dự.
Trong khi đó, ông Vũ Nguyên, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Golf Việt Nam (VGA), cho biết, từ duy nhất một giải đấu golf vô địch quốc gia năm 2005, Việt Nam đã phát triển thành hệ thống thi đấu quốc gia với 4-6 giải trong giai đoạn 2008-2020. VGA hiện duy trì 3 hệ thống thi đấu golf quốc gia, gồm: VGA Tour, Amateur Series và VGA Junior Tour.
Hàng loạt giải quốc tế cũng đã được VGA kêu gọi, phối hợp, chủ động tổ chức. Giai đoạn 2008-2015, Việt Nam vẫn là quốc gia kém phát triển về golf. Nhưng từ năm 2016 đến nay, Việt Nam đã chủ động đào tạo chuyên gia, trọng tài, đội ngũ quản lý để điều hành các hoạt động golf. Theo đánh giá, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển chuyên môn golf nhanh nhất thế giới, là thành viên tích cực của các tổ chức golf thế giới.
Đưa golf thành ngành kinh tế
Theo các chuyên gia, Việt Nam có khí hậu nhiệt đới gió mùa, sở hữu tài nguyên du lịch, thiên nhiên, ẩm thực phong phú, nên rất thuận lợi cho việc phát triển du lịch thể thao golf. Từ năm 2017 đến nay, Việt Nam đã 8 lần được Tổ chức Giải thưởng Golf thế giới (World Golf Awards) bình chọn là “Điểm đến Golf tốt nhất châu Á” và 2 lần đoạt giải thưởng “Thành phố Golf tốt nhất thế giới”. Cùng với đó, Chiến lược Phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 đã xác định việc phát triển hạ tầng và xây dựng sản phẩm du lịch golf là một trong những định hướng trọng tâm trong phát triển của ngành du lịch Việt Nam.
Thực tiễn cho thấy, sự quan tâm và số lượng người gia nhập bộ môn golf đang tăng trưởng một cách tích cực. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Nam Giang, dù đã có chính sách tháo gỡ vướng mắc để kích thích đầu tư, quy hoạch sân golf, nhưng vẫn còn nhiều điều phải bàn. Hiện số lượng sân golf ở Việt Nam vẫn ít so với nhiều quốc gia trong khu vực, trong khi số lượng người chơi golf đang phân bổ không đều, chỗ quá nhiều, chỗ ít. Do vậy, việc cấp quy hoạch sân golf ở những vùng quá xa trung tâm thành phố lớn, hay nơi người dân có thu nhập trung bình thấp…, thực sự khá rủi ro. Dự kiến đến năm 2030, Việt Nam có thêm khoảng 30-40 sân golf mới đi vào hoạt động, nâng tổng số sân gofl cả nước lên khoảng 99-110 sân.
“Từ câu chuyện của một số quốc gia từng phát triển nóng môn thể thao golf, nhưng sau đó không hoạt động hiệu quả, theo tôi, ngành công nghiệp golf của Việt Nam không cần đi tắt đón đầu, chạy đua về mặt số lượng, mà cần chiến lược phát triển bền vững. Trong đó, một hướng phát triển mới trong xây dựng sân golf của các chủ đầu tư ở thời điểm hiện tại và tương lai chính là phát triển xanh. Đây là một tầm nhìn dài hạn, kinh doanh không chỉ vì lợi nhuận trước mắt mà còn vì môi trường, vì giá trị để lại cho thế hệ sau này”, ông Nguyễn Nam Giang chia sẻ.
Ông Bạch Cường Khang, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Golf Việt Nam, nhận định: Golf không chỉ là môn thể thao giúp rèn luyện thể chất, mà còn giúp phát triển kỹ năng tư duy, sự kiên nhẫn, kỷ luật và khả năng làm việc dưới áp lực. Đối với trẻ em, việc tham gia golf từ sớm có thể giúp các em hình thành những thói quen tốt như sự tập trung, kiên trì và có thể áp dụng vào nhiều lĩnh vực khác trong cuộc sống. Việc phát triển golfer trẻ cần được thực hiện đồng bộ từ chính sách, hạ tầng, đào tạo đến thay đổi nhận thức cộng đồng. Khi đó, golf sẽ không chỉ là môn thể thao của những người có điều kiện mà còn là môn thể thao phát triển mạnh mẽ và bền vững tại Việt Nam.
Trong khi đó, Phó Tổng Biên tập Báo SGGP Nguyễn Ngọc Anh nêu với định hướng phát triển du lịch bền vững hướng tới các thị trường tiềm năng, Chiến lược Phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 đã xác định du lịch golf là một loại sản phẩm chuyên biệt quan trọng, cần được quan tâm đầu tư phát triển mạnh trong thời gian tới. Nhà báo Nguyễn Ngọc Anh phân tích: Nhiều chuyên gia cho rằng Việt Nam có đầy đủ tiềm năng và cơ hội để trở thành “Thiên đường golf của châu Á”.
Tuy nhiên, trên thực tế, sản phẩm du lịch golf ở Việt Nam còn hết sức hạn chế do số sân golf còn ít, tỷ lệ du khách quốc tế chơi golf trong tổng số khách quốc tế đến Việt Nam chưa cao. Sự liên kết giữa doanh nghiệp lữ hành và sân golf còn nhiều hạn chế; du lịch golf chưa kết nối với các loại hình du lịch khác như MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, sự kiện, khen thưởng), caravan (du lịch bằng xe ô tô riêng theo đường bộ); chưa có các giải thưởng chuyên nghiệp; các sân golf chưa liên kết với nhau cũng như chưa có các giải pháp về xúc tiến quảng bá sản phẩm du lịch golf một cách bài bản... Đó là những vấn đề cần giải quyết, tháo gỡ.
Cùng quan điểm trên, ông Phạm Hùng Vĩnh, đại diện thương hiệu Đôi Dép, cho rằng: Thể thao golf đang được xem là thế mạnh của ngành kinh tế xanh. Quy mô ngành du lịch golf toàn cầu hiện khoảng 25 tỷ USD, tăng trưởng hàng năm khoảng 6%. Thế giới hiện có khoảng 42 triệu người chơi golf, nên dung lượng thị trường lớn, tiềm năng tăng trưởng cao. Ngoài ra, khách chơi golf sẵn sàng chi tiêu cao, kích thích nghỉ dưỡng cao cấp phát triển. Do đó, cần có những chính sách hỗ trợ riêng, ưu đãi thuế..., để thúc đẩy ngành kinh tế, du lịch golf phát triển.
Ban tổ chức Lễ hội Golf Việt Nam - Nha Trang 2024 chân thành cảm ơn sự đồng hành quý báu của Nhà tài trợ bạch kim Nam A Bank cùng các nhà tài trợ đồng hành: Đôi Dép, Duy Trang Group, FORD Nha Trang, Vietjet Air, Carlsberg, Khách sạn Galina, Golf Group, Havana Nha Trang Hotel, Vinpearl Golf, KN Golf Links, Fiditour, Nhà hát Đó, Hoàng Gia Pearl, Lis Spa, Best Western Premium, Tictours Travel, Go Green, Care:nel, An Khang Media, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, Công ty May Nhà Bè, LoonEyes Studio, nhà tài trợ vận chuyển Lucky Boss, đơn vị vận chuyển Khang Thịnh; sự đồng hành chuyên môn của Hiệp hội Golf Việt Nam, VG Events và đồng hành đại sứ của Unimedia…