Sớm đề nghị có Luật Đô thị đặc biệt cho TPHCM

Trong buổi đối thoại tại phiên bế mạc Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam TPHCM lần thứ XII, nhiệm kỳ 2024 - 2029, khi nghe Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi kiến nghị tổ chức “Diễn đàn nhân dân” hàng quý, đại biểu mong muốn thành phố sớm tổ chức để người dân được tham gia đóng góp ý kiến, hiến kế cùng chính quyền thành phố.

Hinh 14.jpg
Đồng chí Nguyễn Phước Lộc điều hành buổi đối thoại. Ảnh: VIỆT DŨNG

Ngày 3-10, Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam TPHCM lần thứ XII, nhiệm kỳ 2024 - 2029 bước vào phiên bế mạc với sự tham dự của 426 đại biểu đại diện cho các tầng lớp nhân dân TPHCM.

Tham dự có các đồng chí: Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM; Trần Kim Yến, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TPHCM.

Sau khi nghe Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi thông tin về tình hình kinh tế - xã hội của thành phố, đại biểu MTTQ Việt Nam TPHCM đã trao đổi - đối thoại nhiều vấn đề liên quan. Luật sư Trương Thị Hòa (Đoàn Luật sư TPHCM) bày tỏ ủng hộ diễn đàn nhân dân và mong muốn thành phố nhanh chóng tổ chức diễn đàn để người dân đóng góp ý kiến.

Trao đổi với đại biểu, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi khẳng định việc quản trị phát triển thành phố đã được nghiên cứu từ nhiều năm trước. Hiện thành phố đang thực hiện Nghị quyết 131 của Quốc hội về Tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM, song chỉ giải quyết một phần nhỏ trong mô hình quản trị và phát triển của TPHCM. Sắp tới thành phố tổng kết Nghị quyết 131 và nghiên cứu đề xuất nghị quyết mới rộng hơn làm tiền đề để thành phố đề nghị có Luật Đô thị đặc biệt với những nội dung thể chế đủ rộng, đủ mạnh cho phát triển của thành phố.

Hinh 9.jpg
Luật sư Trương Thị Hòa trao đổi tại đại hội. Ảnh: VIỆT DŨNG

Dự kiến, TPHCM sẽ thông qua diễn đàn nhân dân, sáng kiến xây dựng thành phố để huy động thêm trí tuệ, tham mưu cho Trung ương, Quốc hội, Chính phủ ban hành các cơ chế cho thành phố. UBND TPHCM sẽ đề xuất Thường trực, Ban Thường trực Mặt trận để sớm triển khai diễn đàn nhân dân trong quý 4.

Chủ tịch UBND TPHCM bày tỏ luôn trân trọng các ý kiến, trí tuệ đóng góp của nhân dân. “Nếu thành phố tiếp tục khơi gợi, có cách lắng nghe, tiếp nhận, chắc chắn sự đóng góp ấy sẽ lớn hơn, thành phố sẽ phát triển hơn. Song, chúng tôi tự trách mình chưa làm tốt, chưa nghe, chưa tiếp nhận đầy đủ và chuyển hoá thành giá trị vật chất chưa được như mong muốn”, đồng chí bày tỏ và khẳng định thành phố sẽ tiếp tục có những giải pháp để tiếp nhận ý kiến góp ý của các tầng lớp nhân dân.

Đề cập đến phản biện xã hội mà đại biểu đặt vấn đề, Chủ tịch UBND TPHCM nhìn nhận thời gian qua có một số nội dung thực hiện chưa tốt, do đó sắp tới, hàng năm, hàng quý sẽ báo cáo trước những nội dung xin ý kiến MTTQ Việt Nam TPHCM để tổ chức phản biện với các hình thức phù hợp.

"Tôi khẳng định UBND TPHCM sẽ tiếp tục cải thiện, minh bạch bằng trách nhiệm giải trình. Nếu có được diễn đàn thì sẽ hiệu quả hơn, giúp thấu hiểu và chia sẻ được với nhau, cùng giám sát, nhắc nhở nhau. Song song đó, cần có cơ chế về nguồn lực để phản biện và chính quyền sẽ nghiên cứu, bố trí và thực hiện”, đồng chí Phan Văn Mãi chia sẻ.

Hinh 1.jpg
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi trao đổi tại đại hội. Ảnh: VIỆT DŨNG

Trao đổi thêm về cải cách hành chính, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhìn nhận thành phố có nỗ lực nhưng kết quả chưa được như mong muốn. Một trong những nguyên nhân là khối lượng công việc quá lớn, mỗi năm TPHCM giải quyết khoảng 22 triệu hồ sơ. Theo đồng chí, hàng năm UBND TPHCM có nhiều giải pháp, kể cả xử lý trách nhiệm cán bộ. Thời gian qua, TPHCM cũng tập trung giải pháp về công nghệ nhằm giảm áp lực cho công chức, viên chức, để giám sát công việc và nhận diện điểm nghẽn để giải quyết.

Bên cạnh đó, thời gian qua MTTQ cũng đã tham gia giám sát sự hài lòng của người dân và thực hiện bằng công nghệ, đảm bảo minh bạch. Chủ tịch UBND TPHCM đề nghị MTTQ Việt Nam TPHCM giám sát sẽ có gợi ý để chính quyền thành phố điều chỉnh, đầu tư những nội dung phù hợp.

Đồng chí Phan Văn Mãi thông tin thêm, UBND TPHCM đặt mục tiêu sau năm 2025, 70% giao dịch của công dân và các tổ chức với chính quyền được thực hiện trên nền tảng số. Như vậy sẽ giám sát được tiến độ, chất lượng và hạn chế được những phát sinh do thủ tục trực tiếp.

Trao đổi với đại biểu về chuyển đổi công nghiệp, Chủ tịch UBND TPHCM thẳng thắn nhìn nhận TPHCM phải chuyển đổi về phát triển xanh, phát triển bền vững vì các khu công nghiệp ở TPHCM đã cũ về công nghệ, cần chuyển sang công nghệ cao, công nghệ số, công nghệ xanh. TPHCM đã có đề án chuyển đổi và có chính sách cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp. Bên cạnh đó, TPHCM cũng có chính sách chuyển đổi xe buýt, xe công, xe giao hàng sang xe sử dụng năng lượng sạch.

Bên cạnh đó, TPHCM đang tập trung triển khai các dự án trọng điểm như đường cao tốc, đường sắt đô thị, trung tâm tài chính quốc tế... Các dự án này được theo dõi, điều hành chặt chẽ thông qua kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm. Thành phố cũng đang gấp rút hoàn thiện các quy hoạch phát triển như quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, nhằm tạo hành lang pháp lý vững chắc cho sự phát triển của thành phố.

Tin cùng chuyên mục