Mở đầu phiên thảo luận về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và công tác phòng chống dịch Covid-19 sáng 9-11 tại nghị trường Quốc hội, đại biểu (ĐB) Thái Thu Xương (Hậu Giang) nhận định, trong bối cảnh dịch Covid-19 phức tạp, Chính phủ đã vận động linh hoạt, sáng tạo, đồng bộ, xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương.
Tuy nhiên, theo dự báo của thế giới, sẽ có những diễn biến khó lường, nền kinh tế nước ta vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ chậm phục hồi, tăng trưởng thấp, đời sống việc làm của đại bộ phận người dân còn nhiều khó khăn. Việc chuyển trạng thái thích ứng linh hoạt sang trạng thái "bình thường mới" đang đặt ra vấn đề cần phải tập trung giải quyết, trong đó người dân tiếp tục là chủ thể phải thích ứng. Vì vậy, cần có giải pháp nâng cao ý thức để người dân tự bảo vệ bản thân và bảo vệ cộng đồng.
Nữ ĐB kiến nghị Chính phủ cần có giải pháp căn cơ hơn trong công tác phòng chống dịch để đất nước trở lại trạng thái "bình thường mới", nền kinh tế nhanh chóng phục hồi.
Trong khi đó, ĐB Mai Văn Hải, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa, nhận định, sau đợt dịch thứ 4, người lao động ở TPHCM và các tỉnh phía Nam về quê đông, khiến tình hình khó kiểm soát. Số ca mắc gần đây tăng, chi phí xét nghiệm “còn nhiều vấn đề”.
ĐB đề nghị Chính phủ xem xét chỉ đạo, sớm đánh giá lại quy định tạm thời về việc thích ứng an toàn, từ đó, kiểm soát dịch bệnh tốt hơn, giảm số ca mắc, giảm ca tử vong.
Việc người dân từ các tỉnh phía Nam về quê, một số đã tiêm đủ 2 mũi vaccine, cách ly tại nhà nhưng do điều kiện không đảm bảo, ý thức hạn chế, nên đã lây nhiễm cho người thân trong gia đình và người xung quanh, phát sinh ổ dịch khó kiểm soát.
"Thực tế này cho thấy người dân về quê nguy cơ mang mầm bệnh cao, đề nghị khuyến khích cách ly tập trung nơi có điều kiện để phòng chống dịch, không lây lan cho cộng đồng", ông nói.
Cũng đề cập đến công tác phòng chống dịch, ĐB Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM, kiến nghị thúc đẩy sự mạnh dạn, thể hiện rõ vai trò của các bộ, ngành, địa phương trong việc tham mưu các chính sách cho Chính phủ.
ĐB phản ánh, trong thời gian chống dịch "nước sôi lửa bỏng", song một lô hàng 22.000 hộp sữa do kiều bào ở Australia gửi tặng trẻ em tại TPHCM đã gần một tháng chưa lấy ra được. Khi đơn hàng về, Ủy ban MTTQ TPHCM xin ý kiến Cục An toàn thực phẩm và Cục Thú y. Cục Thú y đã trả lời trong hai ngày. Nhưng Cục An toàn thực phẩm lại đề nghị TPHCM xin ý kiến Chính phủ.
"Chúng tôi gửi văn bản đến Chính phủ thì sẽ giao về Cục An toàn thực phẩm trả lời. Vậy tại sao Cục không nêu chính kiến của mình và đồng thời gửi văn bản đến Chính phủ thông báo nội dung này. Cách làm của Cục đúng quy trình nhưng không đúng tinh thần chống dịch như chống giặc", bà Tô Thị Bích Châu thẳng thắn bình luận.
ĐB Bích Châu đề nghị cần quy định rõ trách nhiệm từng đơn vị trong việc tham mưu cho Chính phủ nhằm đảm bảo tốt nhất cho người dân.