Đi lại liên tỉnh vẫn chưa thông
Đến chiều 15-10, việc quản lý về đi lại của TP Cần Thơ vẫn được giám sát chặt chẽ theo các quy định trước đây. Ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết, vừa có tờ trình Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP Cần Thơ về kế hoạch tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trong tình hình mới”, dự kiến được áp dụng từ tối 15-10. Tại tờ trình này, TP Cần Thơ sẽ áp dụng các biện pháp tương ứng ở cấp 2 (mức nguy cơ trung bình theo NQ128).
Trong khi đó, các chốt kiểm soát dịch trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu vẫn đang kiểm soát chặt chẽ người ra vào. Bạc Liêu hiện duy trì quy định người vào tỉnh phải được sự chấp thuận của Chủ tịch UBND tỉnh (trừ trường hợp người điều khiển phương tiện và người đi cùng phương tiện vận chuyển hàng hóa luồng xanh).
Còn ở Cà Mau, tối 15-10, UBND tỉnh cà Mau đã ra quyết định về thích ứng với tình hình kiểm soát dịch ở địa phương, theo đó, tất cả người đến Cà Mau dù đã tiêm đủ 2 mũi vaccine hay đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 6 tháng đều phải có kết quả xét nghiệm RT-PCR âm tính (có thời hạn trong 72 giờ) hoặc test nhanh tại chốt kiểm soát.
Sau đó phải tự cách ly tại nhà hay nơi làm việc trong ít nhất 7 ngày và tự thực hiện thêm 2 lần xét nghiệm vào các ngày thứ 3, thứ 7. Trường hợp chỉ mới tiêm 1 mũi hoặc chưa tiêm sẽ phải thực hiện cách ly tập trung hoặc tại nhà nếu đủ điều kiện trong 21 ngày và test nhanh 3 ngày/lần hoặc xét nghiệm RT-PCR 7 ngày/lần.
Tình hình đi lại liên tỉnh ở Đông Nam bộ cũng đang khó khăn. Tại Đồng Nai, ở các chốt kiểm soát liên tỉnh, lực lượng chức năng vẫn buộc người tham gia giao thông ngoài khai báo y tế, chứng minh đã tiêm vaccine Covid-19, phải xuất trình giấy xét nghiệm âm tính. Tại tỉnh Tây Ninh, ông Nguyễn Tấn Tài, Giám đốc Sở GTVT, cho biết, tỉnh đang triển khai thực hiện NQ128 nhưng việc bỏ các chốt kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn cần đồng bộ với các địa phương giáp ranh. Còn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn chưa ban hành văn bản thực hiện NQ128 dù đã có dự thảo.
Địa phương cần sớm chuyển đổi cấp độ dịch
Theo ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, để đi lại được giữa các địa phương, người dân cần biết mình xuất phát từ vùng cấp độ nào, đi qua và đi đến vùng cấp độ mấy. Tuy nhiên, vướng mắc hiện nay là các địa phương chưa hoàn thành công bố chuyển đổi cấp độ dịch tới từng xã, phường theo QĐ4800 và cập nhật lên cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế.
Vì vậy, các tỉnh thành cần sớm công bố chuyển đổi cấp độ dịch để có thể chuyển trạng thái kiểm soát dịch. Nếu những dữ liệu này được cập nhật trên PC-Covid hoặc VN-EID để tự động xác nhận khi khai báo y tế trước chuyến đi thì sẽ rất thuận tiện cho người dân. Ông Khuất Việt Hùng cũng đề nghị, Bộ GTVT cần rà soát hướng dẫn, kế hoạch hoạt động GTVT, ban hành hướng dẫn cụ thể theo NQ128.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, bộ đã yêu cầu các sở GTVT bám sát chỉ đạo của Chính phủ tại NQ128 để tham mưu cho UBND tỉnh thành xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch khôi phục vận tải phù hợp với diễn biến dịch bệnh tại từng địa bàn. Đến ngày 15-10 đã có 40 sở GTVT báo cáo về việc triển khai chạy tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh.
Trong đó, 28 sở GTVT đã được UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đồng ý; còn lại đang chờ UBND tỉnh đồng ý với kế hoạch khôi phục lại tuyến. Hiện cả nước đã có 22 tỉnh đang hoạt động vận tải liên tỉnh. Tuy nhiên, trong tổng số 247 tuyến đăng ký chỉ có 128 tuyến chạy thực tế, 316 chuyến đăng ký hoạt động/ngày nhưng thực tế chỉ hoạt động 66 chuyến/ngày. Riêng ngày 15-10 chỉ có 65 xe hoạt động, chở 203 khách.
Ngày 15-10, tại buổi tọa đàm trực tuyến “Chuyển trạng thái phòng chống dịch: Trách nhiệm và bản lĩnh”, bà Nguyễn Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế, cho biết, NQ128 của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Y tế đã có quy định chung về việc hướng dẫn các bộ ngành hoạt động trong điều kiện mới; các địa phương căn cứ theo để thực hiện thống nhất. |