Theo quy định, các lực lượng dân phòng, bảo vệ dân phố, công an đều do UBND phường, xã quản lý và công an phường, xã trực tiếp chỉ đạo, điều hành. Thực tế hiện nay, các lực lượng này có xu hướng phân tán, thiếu tính thống nhất, đồng nhất ở từng địa phương. Thậm chí có tình trạng, cùng tham gia thực hiện một nhiệm vụ nhưng sự quan tâm của UBND phường, xã đối với các lực lượng lại không đồng đều.
Lực lượng bảo vệ dân phố trên địa bàn TPHCM được thành lập từ năm 2009, đến nay qua hơn 10 năm, mặc dù được HĐND TPHCM xem xét tăng dần mức phụ cấp nhưng hiện tại vẫn chỉ ở mức 2,3 triệu đồng/tháng. Với mức phụ cấp ít ỏi như vậy, số thanh niên tham gia lực lượng bảo vệ dân phố ngày càng thiếu vắng, dường như lực lượng này chỉ có sự tham gia của các bậc cao niên rảnh rỗi. Vì vậy, khi có sự việc xảy ra, có những người không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.
Đó là chưa nói đến ý kiến, tiếng nói của bảo vệ dân phố chưa được quan tâm kịp thời, chính đáng. Thực tế có nhiều sự việc, người dân báo cho bảo vệ dân phố, rồi lực lượng này báo cho công an phường nhưng công an phường chưa xử lý, ngăn chặn kịp thời các sự vụ, dẫn đến nhiều sự việc đáng tiếc đã xảy ra.
Trong điều kiện lực lượng trật tự đô thị bị rút gọn để phù hợp với Luật Xây dựng, công an phường, xã lại tinh giản biên chế tối đa, lực lượng dân phòng, bảo vệ dân phố phải tăng cường chốt trực, tham gia tuần tra cơ động cùng công an phường, xã. Vì vậy, đề xuất Quốc hội sớm xem xét, thông qua dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở, nhằm tạo điều kiện để lực lượng an ninh ở cơ sở hoạt động hiệu lực, hiệu quả.