Tính đến chiều cùng ngày, QLTT TP vẫn tiếp tục kiểm tra, đối chiếu các sản phẩm bày bán tại một số cửa hàng.
Theo báo cáo nhanh từ Chi cục QLTT TP, trong đợt ra quân kiểm tra vào ngày 22-7, lực lượng QLTT đã tạm giữ một số sản phẩm vi phạm mang thương hiệu TiTiOne, Johnson’s và Johnson’s baby, quần áo các loại... Nội dung vi phạm bao gồm: sản phẩm có nhãn hàng hóa không thể hiện số lô, số công bố mỹ phẩm theo quy định; sản phẩm chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ… Trao đổi nhanh với phóng viên Báo SGGP, ông Nguyễn Văn Bách, Chi cục phó Chi cục QLTT TP, khẳng định, doanh nghiệp sai phạm tới đâu sẽ bị xử lý tới đó, nhằm thanh lọc thị trường, đảm bảo môi trường kinh doanh lành mạnh, tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Thêm nữa, thông tin từ ông Trần Hùng, Cục phó Cục QLTT - Bộ Công thương, lực lượng QLTT đang tiến hành kiểm tra các cửa hàng thuộc hệ thống Con Cưng trên toàn quốc và bước đầu phát hiện một số sai phạm liên quan đến nhãn mác, xuất xứ sản phẩm...
Cùng ngày, khách hàng Trương Đình Công Vĩnh (người khiếu nại về sản phẩm quần áo bé gái bị cắt nhãn, thay thế tem) thông tin, đã gởi hồ sơ đến Cục Quản lý Cạnh tranh - Bộ Công thương để phản ánh, yêu cầu làm rõ vụ việc. Ông Vĩnh cho rằng, phía Con Cưng chưa giải quyết những vấn đề ông phản ánh về nghi vấn thay đổi nhãn mác sản phẩm và yêu cầu Con Cưng phải minh bạch các thông tin về xuất xứ, chất lượng của sản phẩm đúng với quy định pháp luật.