Nhà đầu tư bức xúc
Từ cuối năm 2020, khi thanh khoản thị trường tăng lên 10.000-15.000 tỷ đồng, hệ thống giao dịch HoSE tự động nghẽn, lệnh mua bán của nhà đầu tư gửi đi rất khó khăn. Thời gian gần đây, hiện tượng này xảy ra thường xuyên hơn đã gây nhiều bức xúc cho nhà đầu tư, ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường chứng khoán (TTCK). Cụ thể, trong phiên giao dịch vào thứ 5 tuần trước, khi TTCK Việt Nam đang giao dịch bình thường, hệ thống giao dịch của sàn HoSE bỗng nghẽn lệnh, bảng giá hiển thị thông tin sai lệch, thậm chí giá cổ phiếu trên sàn nhảy loạn xạ.
Hiện các cơ quan chức năng đang đưa ra nhiều giải pháp chống nghẽn cho thị trường, nhưng nhìn chung, vẫn là những giải pháp tình thế. Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, để giải quyết sự cố nghẽn lệnh này một cách triệt để, chỉ có thể trông chờ vào hệ thống giao dịch mới của HoSE. Tuy nhiên, việc thử nghiệm vận hành hệ thống này chậm trễ do các chuyên gia Hàn Quốc không qua được Việt Nam vì dịch Covid-19. Trước đó, HoSE đã ký hợp đồng với Sở Giao dịch chứng khoán Hàn Quốc (KRX) để xây dựng hệ thống này. Theo kế hoạch của HoSE, phải mất 4 tháng chạy thử hệ thống giao dịch mới và chậm nhất cuối năm 2021 mới có thể đưa vào hoạt động.
Trong khi chờ đưa hệ thống mới vào vận hành, HoSE đang lấy ý kiến các thành viên thị trường và nhà đầu tư về một số giải pháp nhằm khơi thông hệ thống giao dịch trên HoSE như nâng lô; không cho chỉnh sửa, hủy lệnh… Trong đó, giải pháp làm “dậy sóng” giới đầu tư là việc đề xuất nâng lô giao dịch tối thiểu trên sàn HoSE từ 100 cổ phiếu lên 1.000 cổ phiếu để giảm tải cho hệ thống.
Chị Hoa Triều, một nhà đầu tư nhỏ ở quận 7, TPHCM, cho biết, sau khi HoSE nâng lô tối thiểu từ 10 cổ phiếu lên 100 cổ phiếu, với việc trong tài khoản chỉ còn 98 cổ phiếu VHM thì chị không thể giao dịch. Theo quy định, nhà đầu tư muốn bán lô lẻ thì phải bán giá sàn (giá thấp nhất mà nhà đầu tư có thể mua cổ phiếu) và mất thêm phí giao dịch và thuế thu nhập cá nhân cho công ty chứng khoán. Tuy nhiên, ngay cả khi phải bán với giá thấp hơn giá thị trường, không phải lúc nào cũng bán được mà phải đợi đến đợt công ty chứng khoán mua vào mới có thể bán.
Chị Hoa Triều chia sẻ thêm, trước đây, nếu có khoảng 100 triệu đồng, chị vẫn có thể đầu tư được các cổ phiếu của các doanh nghiệp có vốn hóa lớn trong nhóm VN3-Index (30 cổ phiếu có vốn hóa và thanh khoản cao nhất sàn HoSE). Nếu HoSE nâng lô giao dịch tối thiểu lên 1.000 cổ phiếu thì các nhà đầu tư ít vốn sẽ bị loại khỏi cuộc chơi, khó có cơ hội đầu tư vào các doanh nghiệp uy tín trên thị trường, có thị giá trên 100.000 đồng/CP.
Nên sử dụng nguồn lực trong nước
Trên thực tế, để giảm tải hệ thống, vào đầu tháng 1-2021, HoSE đã nâng lô giao dịch tối thiểu từ 10 cổ phiếu lên 100 cổ phiếu nhưng hiện hệ thống vẫn nghẽn lệnh.
Ngoài các giải pháp trên, sàn Hà Nội (HNX) đang có phương án chuyển một số doanh nghiệp niêm yết từ HoSE sang HNX nhằm giảm tải. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng có văn bản đề nghị các sở phối hợp, hỗ trợ nhanh chóng cho doanh nghiệp có nguyện vọng chuyển niêm yết tạm thời từ HoSE sang HNX. Sau một tuần lấy ý kiến các công ty chứng khoán thành viên, HNX cho biết, việc thử nghiệm tạo một bảng điện mới cho các cổ phiếu từ HoSE chuyển sang đang được triển khai. Bảng điện này vẫn tuân thủ theo các quy định giao dịch của HoSE như kết cấu phiên, biên độ, loại lệnh, bước giá, hay lô giao dịch…
Tuy nhiên, trong buổi Thủ tướng gặp gỡ doanh nhân, trí thức tiêu biểu với chủ đề “Đối thoại 2045” tại TPHCM vào ngày 6-3, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng Giám đốc Vietjet Air, cho rằng, phương án giảm số lượng giao dịch do hệ thống không đáp ứng nổi hay chuyển các cổ phiếu sang niêm yết tại HNX đều không ổn. Bà Thảo cho biết, đã trao đổi với lãnh đạo các tập đoàn công nghệ lớn trong nước như FPT, One Mount Group, Viettel và được biết với chi phí khoảng 60 tỷ đồng và 2 tháng là có thể giải quyết vấn đề này. Các doanh nghiệp, doanh nhân trong nước sẵn sàng chia sẻ chi phí để chung sức giải quyết, giảm áp lực cho ngân sách.... Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT Trương Gia Bình cũng đề xuất Thủ tướng để các doanh nghiệp tư nhân trong nước xử lý vướng mắc về kỹ thuật của HoSE. Trước kiến nghị của các doanh nhân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, nghiên cứu các ý kiến, giải quyết thật nhanh việc thay đổi công nghệ của HoSE để không còn xảy ra trục trặc mà không cần sử dụng ngân sách.
|