Sớm bỏ độc quyền xuất bản sách giáo khoa

Sau chuyện kiên quyết xóa bỏ cơ chế độc quyền trong xuất bản lịch blốc của Bộ VH-TT, nay đến lượt Bộ GD-ĐT đang tính chuyện bỏ độc quyền trong xuất bản sách giáo khoa (SGK). Đây là một tín hiệu đáng mừng trước xu thế hội nhập và phát triển của đất nước.

Từ nhiều năm qua, tình trạng Nhà Xuất bản (NXB) Giáo dục được độc quyền xuất bản và phân phối SGK đã gây biết bao phiền toái và khó khăn, lãng phí tiền bạc cho gia đình hàng triệu học sinh.

Có thể thấy một điều rất bất hợp lý vẫn nghiễm nhiên tồn tại dai dẳng trong hoạt động xuất bản của đất nước: Chỉ riêng NXB Giáo dục mỗi năm xuất bản trên 180 triệu bản SGK các loại với doanh thu gần 1.000 tỷ đồng, chiếm tới gần 80% tổng số lượng sách xuất bản trong cả nước. 20% còn lại là thị phần của gần 51 NXB chia nhau.

Tuy được hưởng sự độc quyền như vậy, nhưng NXB Giáo dục vẫn bằng mọi cách để năm nào học sinh cũng phải mua SGK mới. Bộ sách năm trước của anh chị năm sau đứa em không dùng được vì có sự thay đổi hoặc điều chỉnh, sửa chữa mới. Nhiều gia đình đông con cứ còng lưng mua sắm SGK hàng năm thật khốn khó.
 
Bộ GD-ĐT để tình trạng độc quyền in SGK cho NXB Giáo dục là không phù hợp với xu thế hội nhập và phát triển đất nước trong giai đoạn mới hiện nay. Bộ VH-TT đã kiên quyết xóa bỏ độc quyền xuất bản lịch blốc từ năm 2006 (nay đã bước sang năm thứ hai không còn độc quyền lịch blốc).

Vậy, tại sao SGK cứ phải giao cho 1 trong số 52 NXB được độc quyền in và phát hành? Người dân bình thường cũng nhận thấy điều này quá bất hợp lý. Theo nhiều NXB, Bộ GD-ĐT có những quy định in, phát hành, biên soạn và đưa ra một chương trình chuẩn cho từng cấp, lớp. Còn NXB nào muốn in SGK tất nhiên phải trả tiền thù lao biên soạn, bảo đảm sự chính xác nội dung, đăng ký số lượng và đóng thuế đầy đủ. Nếu quyết tâm chống độc quyền, không có gì là khó cả.

Bộ VH-TT từng đề cập đến việc chống độc quyền trong xuất bản SGK và khẳng định giá SGK hiện nay cao hơn nhiều so với giá thành sản xuất. Chống độc quyền chỉ có lợi cho xã hội, cho nhân dân. Giá sách sẽ giảm đáng kể, in ấn sẽ đẹp hơn.

Theo tính toán của những nhà chuyên môn, việc phá bỏ độc quyền in SGK chắc chắn tiết kiệm được cả trăm tỉ đồng cho học sinh mỗi năm. Ông Nguyễn Đình Nhã, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản VN cho rằng, trong tình hình hiện nay, phá độc quyền xuất bản SGK càng sớm càng có lợi.

XUÂN THÁI

Tin cùng chuyên mục