Sớm ban hành văn bản quản lý các sản phẩm chỉnh sửa gene

Bộ NN-PTNT cho biết, kế hoạch trong năm 2024 sẽ cùng các bộ liên quan ban hành văn bản quản lý mức độ an toàn với các sản phẩm được tạo ra từ công nghệ chỉnh sửa gene.

Ngày 24-5 tại Hà Nội, Bộ NN-PTNT đã họp đánh giá, thảo luận kế hoạch thực hiện “Đề án Phát triển công nghiệp sinh học trong ngành nông nghiệp Việt Nam đến năm 2030” trong năm 2024.

IMG_9388.jpeg
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến chủ trì cuộc họp. Ảnh: TRUNG QUÂN

Theo Vụ KHCN-MT của Bộ NN-PTNT, trong đề án này, Thủ tướng đã giao Bộ NN-PTNT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện các nội dung của đề án.

Kết quả, đến năm 2023, Vụ KHCN-MT của Bộ NN-PTNT đã xác định, tuyển chọn, giao trực tiếp các nhiệm vụ, trình Bộ NN-PTNT phê duyệt thực hiện 22 nhiệm vụ khoa học công nghệ.

Các nhiệm vụ khoa học công nghệ được phê duyệt là những đề tài theo hướng tiếp cận, làm chủ công nghệ thế hệ mới như: công nghệ chỉnh sửa gene, công nghệ protein, enzyme... phục vụ chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản có năng suất, chất lượng cao, kháng sâu bệnh, chống chịu tốt với điều kiện môi trường bất thuận; sản phẩm sinh học phòng chống dịch bệnh hại cây trồng, vật nuôi.

IMG_9389.jpeg
Bắp biến đổi gene trồng tại Việt Nam. Ảnh minh họa

Đề án của Thủ tướng cũng giao Bộ NN-PTNT và Bộ GD-ĐT nghiên cứu đào tạo nguồn nhân lực cho công nghệ sinh học. Đồng thời, tại Nghị quyết 36-NQ/TW, Chính phủ cũng đã giao Bộ GD-ĐT xây dựng “Đề án đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển công nghệ cao”.

Vì vậy, Bộ NN-PTNT cho biết, kế hoạch trong năm 2024, cơ quan này sẽ đảm nhận vai trò đặt hàng, sơ tuyển, xây dựng nguồn nhân lực để gửi Bộ GD-ĐT tổ chức đào tạo trong và ngoài nước.

Bộ NN-PTNT cũng sẽ phối hợp Bộ TN-MT, Bộ KH-CN rà soát, bổ sung, điều chỉnh, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, ban hành văn bản quản lý an toàn sinh học với các sản phẩm được tạo ra từ công nghệ thế hệ mới, trước mắt là công nghệ chỉnh sửa gene.

Tin cùng chuyên mục