Theo đó, Thủ tướng yêu cầu, từ năm 2017 - 2019, chuẩn bị các điều kiện cần thiết và đào tạo kỹ năng cho việc áp dụng BIM. Từ năm 2018 - 2020, triển khai áp dụng thí điểm tối thiểu 20 công trình xây dựng mới sử dụng vốn nhà nước. Từ năm 2021, trên cơ sở tổng kết, đánh giá áp dụng BIM, Bộ Xây dựng ban hành thông tư, hướng dẫn cụ thể để áp dụng rộng rãi BIM trong hoạt động xây dựng và quản lý vận hành công trình.
BIM là một hệ thống được thiết lập với quy trình chặt chẽ từ việc xây dựng mô hình với nhiều chiều thông tin (3D, 4D, 5D…) thông qua các phần mềm chuyên dụng (Civil, Revit…) cho đến việc sử dụng các mô hình này cho giai đoạn thiết kế, thi công (quản lý khối lượng) và quản lý công trình (bảo trì, bảo dưỡng kết cấu bê tông cốt thép, các thiết bị cơ, điện nước…) xuyên suốt dòng đời của công trình.
Cùng với việc ứng dụng công nghệ thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR) BIM còn giúp chủ đầu tư, các kỹ sư và người dân có thể tiếp cận, tương tác với công trình một cách trực quan, sinh động. Thực tế cho thấy, tại Việt Nam, những đơn vị mạnh dạn áp dụng BIM đã tạo dựng được uy tín tốt.
Theo ông Trần Tấn Phúc, Chủ tịch HĐQT Portcoast, việc ứng dụng mô hình thông tin công trình BIM với thiết bị bay Stormbee UAV S-20, đã giúp đơn vị thực hiện bay quét (chụp) trên địa hình phức tạp hoặc vùng diện tích rộng lớn mà việc đặt quét trên mặt đất không khả thi hoặc thiếu hiệu quả. Và cũng nhờ mạnh dạn đầu tư vào khoa học công nghệ, hiện Portcoast không chỉ nhận được nhiều gói thầu tư vấn trong nước mà còn trúng nhiều gói thầu làm cảng biển ở một số nước trong khu vực. Tiếc rằng, những doanh nghiệp ứng dụng BIM chưa nhiều, dẫu thời gian để chuẩn bị và đi vào áp dụng rộng rãi hệ thống này, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ không còn nhiều.
Ở góc độ khác, TS Đỗ Tiến Sĩ, Trưởng bộ môn Thi công và quản lý xây dựng, khoa Kỹ thuật xây dựng, Trường Đại học Bách khoa TPHCM, cho biết từ năm 2017, nhà trường đã đưa bộ môn BIM vào các khóa học. Nhiều sinh viên được đào tạo bài bản về BIM đã ra trường và công tác tại các doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiểu và nắm bắt về BIM vẫn chưa đồng bộ ở nhiều chủ đầu tư, tư vấn, nhà thầu… Ví dụ, nhà thầu chính nhận dự án có thể áp dụng BIM nhưng nhà thầu phụ chưa có chuyên môn ấy. Và đây là một trong những nguyên nhân khiến việc áp dụng BIM trong thực tế gặp khó khăn.
Không dễ để đưa khoa học công nghệ vào quá trình đầu tư xây dựng bởi còn liên quan đến vốn đầu tư, khả năng tiếp nhận của các đơn vị… Thế nhưng, thực tế áp dụng BIM trên thế giới cho thấy, hệ thống này có thể giúp quản lý công trình tốt hơn, hiệu quả, tiết kiệm chi phí và thời gian hơn hệ thống quản lý cũ 10% - 20% nên việc áp dụng BIM ở Việt Nam cần được triển khai nghiêm, đúng chỉ đạo của Thủ tướng. Nhất là trong bối cảnh việc đầu tư xây dựng nhiều công trình trên cả nước thời gian qua vừa chậm vừa thất thoát, lại không đảm bảo chất lượng.