Đối với tuyến huyết mạch là cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, hiện phương án mở rộng từ 4 làn lên 8-10 làn xe đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý. Tuy nhiên phương án vốn cho Tổng công ty Đầu tư và Phát triển đường cao tốc thực hiện vẫn chưa được chốt, trong khi thời gian triển khai thi công mất từ 24-30 tháng.
Với tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành, Bộ GTVT đã cáo báo Thủ tướng Chính phủ xin lùi thời hạn thực hiện dự án từ tháng 9-2025 sang tháng 9-2026, do vướng mắc công trình cầu Phước Khánh chưa thể triển khai thi công trở lại.
Tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đang triển khai, mục tiêu khai thác vào cuối năm nay, song công tác giải phóng mặt bằng tại tỉnh Đồng Nai còn rất chậm trễ, khó đáp ứng được tiến độ đề ra.
Riêng đường Vành đai 3 TPHCM đang được đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm hoàn thành tuyến chính cao tốc vào năm 2025, các đoạn tuyến khác và đường song hành sẽ hoàn thành trong năm 2026.
Bộ GTVT cho biết, theo quy hoạch đang được nghiên cứu, Cảng Hàng không quốc tế Long Thành - TPHCM sẽ có 7 tuyến kết nối.
Tuyến thứ nhất: từ sân bay Long Thành theo cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cao tốc TPHCM - Long Thành, đường Vành đai 2, các trục hướng tâm hoặc các tuyến trục chính đô thị của TPHCM.
Tuyến thứ 2: đường tỉnh 25C (Quốc lộ 20B) - cầu Cát Lái - đường Vành đai 2 - các trục hướng tâm hoặc hệ thống đường khác mức.
Tuyến thứ 3: Đường tỉnh 25C (Quốc lộ 20B) - cao tốc Bến Lức - Long Thành - đường trục động lực (Quốc lộ 50B).
Tuyến thứ 4: Đường tỉnh 25C (Quốc lộ 20B) - đường Vành đai 3 - các trục hướng tâm và hệ thống đường khác mức.
Tuyến thứ 5: Đường tỉnh 25C (Quốc lộ 20B) - kết nối qua hướng cầu Phú Mỹ 2 - các trục hướng tâm và hệ thống đường khác mức.
Tuyến thứ 6: Đường sắt tốc độ cao đến ga Thủ Thiêm, chuyển tiếp bằng đường sắt đô thị vào trung tâm thành phố.
Tuyến thứ 7: Đường sắt nhẹ Long Thành - Thủ Thiêm, chuyển tiếp bằng đường sắt đô thị vào trung tâm thành phố.