Sáng 13-11, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường thảo luận về dự án Luật Phòng, chống ma túy (PCMT) sửa đổi.
Nhìn chung, các ĐBQH lo lắng về tình trạng buôn bán, vận chuyển ma túy ngày càng phức tạp và tinh vi, chủ yếu là ma túy thẩm lậu từ nước ngoài vào Việt Nam qua nhiều con đường khác nhau. Trung bình trong 5 năm gần đây cả nước đã phát hiện 20.000 vụ, với hơn 30.000 đối tượng, khối lượng chất ma túy thu giữ được tính bằng tấn. Sử dụng ma túy tổng hợp ngày càng đa dạng từ hút, hít sang tiêm chích, uống, ngậm...
Các ĐB đề nghị quy định cụ thể đối với việc cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình và cộng đồng. Phiên thảo luận cũng sôi nổi với những trao đổi, tranh luận về việc coi người nghiện là người bệnh. Các ĐB cho rằng cai nghiện hiện nay cơ bản chưa hiệu quả, tỷ lệ tái nghiện rất cao.
ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đề nghị cần có quy định rõ hơn trong dự án luật về trách nhiệm của cha mẹ đối với con cái trong công tác PCMT. ĐB này cho rằng, quy định như trong dự thảo luật đối với việc cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình là quy định không khả thi, rất khó thực hiện.
"Gia đình thường không có đủ kinh nghiệm, điều kiện và năng lực để giúp người cai nghiện tại nhà. Mặt khác, việc kiểm soát không tốt có thể dẫn đến nhiều hệ lụy gây hậu quả nghiêm trọng cho gia đình", theo ĐB Nguyễn Ngọc Phương |
Cũng theo ĐB Nguyễn Ngọc Phương, cần phát huy mô hình cai nghiện bắt buộc tại trung tâm, đây là mô hình cai nghiện an toàn và hiệu quả.
ĐB Huỳnh Cao Nhất (Bình Định) đề nghị dự án Luật cần có giải pháp hỗ trợ, quản lý, giám sát sau cai nghiện một cách hiệu quả hơn; đặc biệt cần có những hỗ trợ về sinh kế cho người sau cai nghiện cũng như những biện pháp để người sau cai nghiện dễ dàng tái hòa nhập cộng đồng. Thực tế hiện nay cho thấy, tỷ lê tái nghiện rất cao, nếu không có giải pháp giám sát sau cai thì việc cai nghiện lại “đổ sông đổ biển”.
ĐB Dương Tấn Quân (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng, không nên quy định thời hạn đối với người cai nghiện ma túy như dự thảo Luật, vì đây đây là "bệnh mãn tính". Để giúp người nghiện cai nghiện thành công thì quy định về thời gian cai nghiện là không khả thi.
ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đề nghị bỏ quy định thời hạn 1 năm đã cai nghiện tại cộng đồng, cai nghiện bắt buộc được xác nhận hoàn thành chương trình cai nghiện.
“Nếu đã tái nghiện thì cũng có thể đưa vào trại cai nghiện trở lại chứ không nhất thiết phải quy định 6 tháng hay 1 năm. Nếu quy định từ 1 năm trở lên sẽ không đúng thực tiễn vì có rất nhiều trường hợp sau khi ra trại ít ngày hoặc vài tháng lại tiếp tục tái nghiện. Cho nên nếu phát hiện tái nghiện thì phải tiếp tục đưa vào trại cai nghiện trở lại”, ĐB Phạm Văn Hòa nói.
ĐB Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) đề nghị, "cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật quan tâm rà soát về từ ngữ trong dự án Luật, tránh những từ ngữ mang tính miệt thị, phân biệt đối xử đối với người nghiện ma túy". ĐB Phạm Thị Minh Hiền cũng đề nghị có trung tâm cai nghiện riêng dành cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi để bảo đảm tính nhân văn. Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên. Ảnh: Quochoi.vn ĐB Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) đề nghị: "Nên gọi “người bị nghiện”, thay cho việc gọi “con nghiện”. Bởi đó là cách gọi có tính phân biệt, thậm chí miệt thị đối với người bị nghiện". "Không phải cứ sử dụng ma túy một vài lần là thành người nghiện, cũng khó trả lời được câu hỏi sử dụng ma túy bao nhiêu lần thì thành người nghiện”, ĐB Nguyễn Thị Thủy nêu quan điểm. Cũng theo ĐB Thủy, trên thực tế có những người sử dụng ma túy trong một thời gian khá dài nhưng chưa rơi vào tình trạng nghiện, chưa bị lệ thuộc vào ma túy. Song có những người chỉ sử dụng ma túy vài lần thì đã thành người nghiện. Còn việc xét nghiệm một người cho kết quả dương tính với ma túy chỉ là cơ sở để kết luận người đó có sử dụng ma túy, chứ không phải là cơ sở để kết luận người đó nghiện ma túy. Chính vì vậy việc phân định chính xác diện người này để có những biện pháp tương xứng về mặt pháp luật là rất cần thiết và rất quan trọng, đối tượng nào thì biện pháp đó.
|