Đa dạng sân chơi
Sau 3 năm thành lập, đến nay, Quán Chiêu Văn đã có gần 32.000 thành viên, gồm những người Việt đang sinh sống, lao động và học tập ở gần 70 nước trên thế giới. Đây là nơi hội tụ những thành viên có cùng đam mê văn chương, trong đó có sự tham gia của nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nghệ sĩ… Từ lúc thành lập đến nay, Quán Chiêu Văn đã tổ chức gần 20 cuộc thi sáng tác văn học với những quy mô khác nhau, xuất bản 8 đầu sách. Riêng cuộc thi Truyện ngắn Trẻ diễn ra trong 2 năm 2020 và 2021 thu hút gần 700 tác phẩm dự thi. Ban tổ chức đã trao 10 giải, trong đó giải nhất thuộc về truyện ngắn Lạc đà bay của tác giả trẻ Võ Đăng Khoa (sinh viên Học viện Cảnh sát nhân dân).
Hoạt động sôi nổi không kém là nhóm Tản Văn Hay. Hiện nhóm đang có gần 10.000 thành viên ở khắp mọi miền đất nước lẫn ở nước ngoài. Đặc biệt, không chỉ có Facebook, Tản Văn Hay còn có website tại địa chỉ www.tanvanhay.xyz cùng kênh YouTube.
Mặc dù chỉ có 2 thành viên, nhưng với lối đi thức thời và đầy sáng tạo, thời gian gần đây Trạm Radio đang được xem là địa chỉ tin cậy của những người yêu văn chương. Đây là kênh phát thanh hàng tuần về văn học Việt Nam và thế giới trên các nền tảng Soundcloud, Spotify, YouTube, Apple Podcasts và Google Podcasts. Sau 2 năm thành lập, hiện tại Fanpage của Trạm Radio có gần 30.000 người theo dõi, Spotify có 12.126 lượt theo dõi.
Không thể phủ nhận, sự ra đời của các diễn đàn văn chương online đã và đang tạo ra bầu không khí sôi động, nhộn nhịp vào đời sống văn chương nước nhà. Một số diễn đàn còn trở thành sân chơi hữu ích cho các cây bút trẻ. Tác giả trẻ Võ Đăng Khoa cho biết: “Muốn bản thân tiến bộ hơn trong việc viết thì phải biết lắng nghe ý kiến của người đọc. Từ đó, bản thân người viết có cơ sở để tiếp thu và phát triển. Điều này thực sự rất có ý nghĩa với những người viết trẻ như tôi”.
Kinh nghiệm cho các hội VHNT địa phương
Có một thực tế không thể phủ nhận, đó là trong khi các hội nhóm trên mạng hoạt động rất sôi nổi thì nhiều hội VHNT địa phương đang hoạt động theo cơ chế bao cấp nhưng lại èo uột, không thu hút được người tham gia. Anh Hồ Huy, người sáng lập Tản Văn Hay, cho rằng, các diễn đàn tạo điều kiện giúp người viết thể hiện năng khiếu, đam mê văn chương của mình dễ dàng hơn so với các tạp chí VHNT. “Trong thời buổi công nghệ thông tin phát triển như hiện nay, ngoài tạp chí, hầu như hội nào cũng có website, fanpage. Tuy nhiên, cách thức hoạt động ù lì, cũ kỹ chính là nguyên nhân khiến nhiều cây viết rời xa các hội VHNT”, anh Hồ Huy nói thêm.
Nhìn vào hoạt động của Quán Chiêu Văn trong thời gian qua, nhà thơ Phạm Thùy Vinh, Tổng Biên tập Tạp chí Sông Lam (Hội Liên hiệp VHNT Nghệ An), cũng là thành viên Ban Quản trị của Quán Chiêu Văn, bày tỏ: “Trong khi ở các hội VHNT địa phương thiếu vắng những người trẻ muốn vào hội thì ở Quán Chiêu Văn, lực lượng trẻ lại chiếm phần đông và hoạt động hăng hái nhất. Là một người làm VHNT ở địa phương, rõ ràng tôi nhận thấy hiệu quả của một hoạt động văn chương mà các hội ít nhiều cần học tập”.
Theo nhà thơ Phạm Thùy Vinh, ở Quán Chiêu Văn, bất cứ tác phẩm nào, bất cứ ai cũng sẽ tìm được sự chia sẻ, nâng đỡ, trước tiên là bởi bộ phận biên tập - quản trị viên; sau là đến các thành viên khác. Tinh thần chia sẻ cũng chính là một giá trị của Quán Chiêu Văn. Không chỉ phát hiện, tôn vinh lẫn nhau mà còn chỉ dẫn, thậm chí “phê” nhau nghiêm khắc trên phương diện tác phẩm để người viết có thể tiến bộ.
Còn nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh, Chủ tịch Hội VHNT Thái Nguyên, cho rằng, không chỉ có Quán Chiêu Văn, quanh chúng ta, từ thế giới ảo đến thế giới thực, có hàng ngàn hội nhóm, câu lạc bộ, diễn đàn, đủ mọi lứa tuổi, thành phần, tầng lớp xã hội… Họ kết nối với nhau bằng nhu cầu thụ hưởng và sáng tạo VHNT. Họ được tổ chức lại bằng những người đứng đầu có uy tín và kinh nghiệm. Họ góp với nhau từng đồng tiền nước, suất ăn trưa, đến chi phí xuất bản các ấn phẩm, tổ chức chương trình nghệ thuật mà họ vừa là diễn viên vừa là khán giả của nhau.
Từ thực trạng trên, nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh đưa ra cảnh báo: “Nếu các hội VHNT địa phương không thích nghi và phát huy lợi thế của mình, thậm chí nếu không khiêm tốn tiếp thu, học hỏi kinh nghiệm tổ chức hoạt động của các hội nhóm “phi chính thống”, chúng ta rất dễ bị bỏ lại phía sau”.