Ngoài việc giúp học sinh tích lũy kiến thức, việc tham gia vào các dự án còn giúp các em có cơ hội trau dồi kỹ năng sống, phát huy khả năng tư duy và sáng tạo, chuẩn bị hành trang cho tương lai nghề nghiệp sau này.
Trưởng thành hơn sau mỗi dự án
Cuối tuần qua, gần 200 học sinh khối 10 Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3) đã tham gia buổi báo cáo dự án “Cải tạo chất lượng không khí hầm xe” do chính học sinh lên ý tưởng, nghiên cứu và triển khai thực hiện trong vòng 2 tháng.
Đỗ Ngọc Đoàn Giao, học sinh lớp 10A3, cho biết hầm giữ xe là một trong những “điểm nóng” về ô nhiễm không khí với sự xuất hiện của nhiều khí độc hại như chì, bụi hạt lơ lửng, carbon oxit, hydrocacbon, sunfua dioxit, oxit nitơ… Nhận thức được điều đó, nhóm học sinh nghiên cứu đã chọn giải pháp tăng cường thêm mảng xanh để làm sạch không khí. Giải pháp đòi hỏi học sinh phải vận dụng kiến thức liên môn của nhiều bộ môn như Toán, Lý, Hóa, Sinh, Tin học và Công nghệ.
Sau khi tiến hành nghiên cứu, nhóm tác giả đã chọn phương pháp trồng cây khí canh, tức trồng cây trong những trụ đứng bằng nhựa để nâng cao năng suất và đẩy nhanh tốc độ cây lớn, ngoài ra còn giúp tiết kiệm diện tích trồng trọt, nước tưới, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật so với các phương pháp trồng cây khác như thủy canh (trồng trên nước) hoặc địa canh (trồng trong chậu đất).
Thầy Lợi Minh Trang, giáo viên hỗ trợ dự án, cho biết dự án không chỉ giúp học sinh hệ thống lại kiến thức của nhiều bộ môn, mà qua đó còn giúp các em vận dụng kiến thức đã học trong sách vở để giải quyết vấn đề trong thực tế. Đây là một trong những hoạt động giáo dục bắt buộc thông qua hình thức trải nghiệm, hướng nghiệp trong chương trình giáo dục phổ thông mới.
Trước đó vào cuối tháng 3-2019, dự án “Con đường di sản” do học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn thực hiện đã gây ấn tượng lớn trong cộng đồng học sinh. Theo đó, sau khi đi thực địa tại 5 địa điểm gồm phố cổ Hội An, thánh địa Mỹ Sơn, quần thể di tích Cố đô Huế, Hà Nội và Ninh Bình nhằm tìm hiểu văn hóa đặc trưng của từng di sản, các em sẽ được phân nhóm tham gia các hoạt động như thiết kế trang phục áo dài, poster, brochure với mục đích giúp các bạn học sinh thể hiện góc nhìn sáng tạo, mới lạ về những di sản đã tạo nên một thời lịch sử hào hùng của dân tộc.
Ngoài ra, các em còn có những màn trình diễn ấn tượng bằng hoạt cảnh để tái hiện lại một số di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam như Hội Gióng ở đền Phù Đổng, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, đờn ca tài từ Nam bộ, nghệ thuật bài chòi Trung bộ, dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh, hát xoan, ca trù, dân ca quan họ…
Chọn một hướng đi khác, dự án dạy học “Vì một môi trường không khói thuốc”, do các học sinh lớp 12A8 Trường THPT Nguyễn An Ninh (quận 10) thực hiện, đã xuất sắc vượt qua hàng trăm đề tài dự thi khác đoạt giải thưởng cao nhất tại Diễn đàn giáo dục Việt Nam với chủ đề “Đổi mới sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin” năm 2019.
Cô Nguyễn Thị Diến, giáo viên phụ trách dự án, cho biết học sinh được chia thành 5 nhóm thực hiện các nhiệm vụ khác nhau như nghiên cứu, thu thập tài liệu, lên ý tưởng thiết kế và trình bày sản phẩm. Cụ thể, thông qua việc sắm vai các báo cáo viên, phóng viên, tuyên truyền viên, nhà nghiên cứu, học sinh sẽ nhận thức tốt hơn về trách nhiệm, nghĩa vụ của bản thân trong việc tuyên truyền và thực hiện Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá. Bên cạnh đó, dự án còn nhằm trang bị cho các em một số kỹ năng cần thiết của thế kỷ 21, đồng thời khơi gợi tính sáng tạo, tình yêu thương đối với gia đình, bạn bè và định hướng nghề nghiệp trong tương lai.
Dám nghĩ dám làm
Ông Hà Hữu Thạch, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn, cho biết quá trình thực hiện một dự án có rất nhiều khó khăn, có những lúc tưởng chừng như thất bại, nhưng nhờ sự quyết tâm và kiên trì, các dự án đã bước đầu thành công.
Đồng quan điểm, Thạc sĩ Nguyễn Viết Đăng Du, Tổ trưởng Tổ Lịch sử Trường THPT Lê Quý Đôn, đánh giá cao sự nghiêm túc cũng như tinh thần trách nhiệm của học sinh khi tham gia thực hiện một dự án. Ngoài việc yêu thích môn học, các em còn thể hiện được năng lực khám phá và sáng tạo, có ý thức vận dụng kiến thức đã học vào thực tế. Cụ thể, với dự án “Con đường di sản”, học sinh đã khiến các thầy, cô giáo đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác trước khả năng dàn dựng và trình diễn một số thể loại nghệ thuật được xem là “khó nhằn” ngay cả với người lớn như ca trù, hát xoan, đờn ca tài tử…
Để đưa lên sân khấu một tiết mục biểu diễn, học sinh phải tự phân công nhau thực hiện tất cả công đoạn như lên kịch bản, chuẩn bị nhạc, thiết kế sân khấu, luyện tập, thuê phục trang, trang điểm. “Có tiết mục đến sát ngày biểu diễn, các em vẫn quyết định thay đổi kịch bản. Tiết mục có thể chưa hoàn hảo nhưng đó là sự cố gắng, tinh thần làm việc hết mình của học sinh”, thầy Đăng Du bày tỏ.
Tuy nhiên, theo một giáo viên Tổ bộ môn Hóa Trường THPT Nguyễn Thị Diệu (quận 3), dù mang lại nhiều hiệu quả nổi bật nhưng phương pháp dạy học theo dự án chưa thể triển khai rộng khắp ở các trường THPT. Nguyên nhân là do quá trình thực hiện không chỉ đòi hỏi sự nỗ lực của học sinh và giáo viên, mà còn yêu cầu một nền tảng kiến thức và kỹ năng tốt. Do đó, các trường có chất lượng tuyển sinh đầu vào cao có nhiều lợi thế khi triển khai thực hiện, trong khi những trường ở tốp 2, chất lượng đầu vào của học sinh không cao khiến công tác triển khai còn nhiều hạn chế.
Thêm vào đó, phó hiệu trưởng một trường THPT ở quận 1 cho biết, muốn nhân rộng phương pháp dạy học theo dự án đòi hỏi các trường phải có khả năng tài chính đủ mạnh thông qua các mô hình xã hội hóa, sự đồng hành không chỉ của học sinh, phụ huynh, mà cần cả doanh nghiệp hỗ trợ.