Các em dự lễ khai mạc. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Thầy Phan Văn Quang, Phó phòng GD-ĐT quận Tân Bình cho biết, đây là năm học đầu tiên địa phương tổ chức cuộc thi với nội dung và hình thức hoàn toàn mở. Cụ thể, sau khi dự lễ khai mạc, tất cả học sinh sẽ được chia làm 6 nhóm, di chuyển bằng xe buýt qua các cung đường Ni Sư Huỳnh Liên - Hồng Lạc - Đồng Đen - Trường Chinh - Ấp Bắc - Cộng Hòa - Hoàng Văn Thụ và điểm dừng chân cuối cùng ở Bảo tàng lực lượng vũ trang miền Đông Nam Bộ.
"Chuyến đi thực tế qua các cung đường có trụ sở hành chính của quận, đồng thời cho các em trải nghiệm về cầu vượt, công viên Hoàng Văn Thụ, sân bay Tân Sơn Nhất và sau cùng dừng chân ở bảo tàng nhằm đem đến cho học sinh những góc nhìn mới, phát huy năng lực quan sát về môi trường sống xung quanh các em", thầy Phan Văn Quang bày tỏ. |
Cũng trên các chuyến xe, học sinh sẽ được phát đề thi và giấy nháp nhằm kịp thời ghi lại những cảm nghĩ, hình ảnh thực tế vừa trải nghiệm để có thêm tư liệu làm bài.
Ban tổ chức phát để thi cho các em trên xe. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Các em ghi lại những cảm nghĩ, hình ảnh thực tế đang trải nghiệm để có thêm tư liệu làm bài. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Đề thi năm nay của hai khối 6, 7 là "Điều thú vị nhất mà em quan sát (lắng nghe, cảm nhận, hồi tưởng...) được từ hành trình trải nghiệm sáng nay".
Tương tự, đề thi của hai khối 8, 9 có nội dung bao quát hơn "Mỗi hành trình trải nghiệm luôn mang đến những điều bổ ích giúp em ngày một trưởng thành hơn. Ở tuổi thiếu niên, em cần trang bị cho mình rất nhiều kiến thức và kĩ năng từ thực tế cuộc sống để vào đời. Hành trang vào đời ấy đòi hỏi em phải luôn quan sát, lắng nghe, cảm nhận những gì đang diễn ra trong cuộc sống hằng ngày cũng như những vết tích còn lưu lại của quá khứ. Với góc nhìn và tư duy của tuổi thiếu niên, em học được điều gì từ hành trình trải nghiệm sáng nay?".
Tại điểm dừng chân cuối cùng ở Bảo tàng lực lượng vũ trang miền Đông Nam Bộ, học sinh một lần nữa có cơ hội trải nghiệm những góc nhìn khác nhau tại các khu trưng bày tại bảo tàng.
Các em tại Bảo tàng lực lượng vũ trang miền Đông Nam Bộ. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Hà Ngọc Mai Trâm, học sinh lớp 6/1, Trường THCS Trần Văn Đang (quận Tân Bình) cho biết: "Đây là lần đầu tiên con trải nghiệm cảm giác được đi bảo tàng nhưng không có người thuyết minh. Cái khó là tụi con phải tự cảm nhận, xác định mục đích đến bảo tàng, góp nhặt những hình ảnh vừa quan sát được để bổ sung kiến thức cho mình. Nhưng đồng thời, các thầy cô cũng tạo điều kiện cho tụi con được đi tham quan một cách thoải mái, có thể dừng lâu ở một gian phòng nào đó mà các bạn đặc biệt quan tâm để quan sát và suy nghĩ".
Cùng suy nghĩ, Trần Quốc Anh, học sinh lớp 9/13, Trường THCS Tân Bình (quận Tân Bình) chia sẻ: "Chuyến đi khiến con vô cùng thích thú và mang lại nhiều suy nghĩ mới về cuộc sống. Dù trước đây đã được ba mẹ cho đi bảo tàng nhiều lần nhưng trải nghiệm lần này rất đáng nhớ. Con có thời gian được lắng mình cùng những hiện vật lịch sử của cha ông, bồi đắp thêm hành trang để sống tốt và trở thành người có ích".
Các em làm bài sau hành trình trải nghiệm. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Đại diện Phòng GD-ĐT quận Tân Bình cho biết, cuộc thi nhằm phát huy tối đa năng lực sáng tạo và phát triển cảm xúc cho học sinh. Bên cạnh hai tiêu chí là kỹ năng viết văn và viết chữ đẹp, các em còn được bồi đắp tình cảm yêu nước, ý thức sống có trách nhiệm, biết quan tâm những người xung quanh. Đây là một trong những hình thức đổi mới trong ra đề thi và tăng cường hoạt động trải nghiệm cho học sinh, giúp việc học tập môn Văn nói riêng và các môn học khác như giáo dục công dân, rèn kỹ năng sống ở nhà trường trở nên hiệu quả.