Hội sách kéo dài từ ngày 27 đến 29-9 với nhiều hoạt động ý nghĩa, nổi bật là trưng bày, triển lãm sách với chủ đề “Hà Nội: Thủ đô văn hiến, anh hùng - Thành phố vì hòa bình” với các đầu sách về kinh tế, chính trị, văn hóa, quân sự, ngoại giao. Ngoài ra, trong khuôn khổ hội sách còn diễn ra nhiều hoạt động giao lưu, giới thiệu các tác phẩm mới, nhất là những tác phẩm mang thông điệp tự hào về truyền thống văn hóa, lịch sử Thăng Long - Hà Nội nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung.
Sáng 29-9, tại Tòa nhà triển lãm - Trung tâm Lưu trữ quốc gia I (số 5 đường Vũ Phạm Hàm, quận Cầu Giấy, Hà Nội), Công ty Nhã Nam tổ chức chương trình ra mắt ấn phẩm Hà Nội thời cận đại - Từ nhượng địa đến thành phố (1873-1945). Cuốn sách là một nghiên cứu công phu và toàn diện của nhà nghiên cứu Đào Thị Diến về sự “thay da đổi thịt” của Hà Nội trong quá trình trở thành một thành phố hiện đại kiểu phương Tây vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20.
Với hơn 30 năm công tác tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, nhà nghiên cứu Đào Thị Diến đã có cơ hội tiếp cận những tài liệu quý giá từ các phòng lưu trữ tiếng Việt lẫn tiếng Pháp, từ đó đem đến một nét độc đáo trong cách tiếp cận lịch sử Hà Nội. Ở cuốn sách này, lịch sử được soi chiếu qua lăng kính tài liệu lưu trữ, thể hiện sự khách quan và chân thực nhất có thể.
Tối 4-10, khoa Thanh nhạc, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam tổ chức đêm nhạc Cảm xúc tháng 10. Theo chia sẻ của TS-NSND Quốc Hưng, Phó Giám đốc phụ trách Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, chương trình Cảm xúc tháng 10 không chỉ gợi nhớ về những ngày tháng 10 lịch sử cách đây 70 năm, khi đoàn quân giải phóng tiến về Hà Nội trong niềm hân hoan tột cùng, trong nước mắt hạnh phúc, nụ cười rạng rỡ… mà còn cho thấy sự tiếp nối truyền thống ở hiện tại và tương lai, người thủ đô vẫn giữ vẹn hào khí ấy trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Cảm xúc tháng 10 sẽ có sự tham gia của nhiều ngôi sao, giảng viên và khách mời là cựu sinh viên các khóa khoa thanh nhạc trước đây.