Công ty TNHH Inahvina (Khu chế xuất Tân Thuận, TPHCM) đang cần tuyển 100 công nhân làm gia công nữ trang, vàng bạc, đá quý. Để tuyển đủ lao động, công ty nhận cả người chưa có tay nghề rồi đào tạo từ đầu.
Ngoài đảm bảo chế độ lương, bảo hiểm, công ty còn có nhiều chế độ phúc lợi, đãi ngộ. Công ty TNHH S&HV (quận 7) cũng đang tuyển nhân viên cơ khí để gia công cánh quạt nén dùng trong động cơ xe hơi. Người lao động sẽ được tặng quà các dịp lễ, tết và cuối năm được thưởng 2 tháng lương.
Trong khi đó, Công ty Gadys Việt Nam đang tuyển hàng loạt vị trí với yêu cầu “đi làm ngay”. Công ty TNHH Công nghiệp Đức Bổn đang tuyển 50 thợ may, 100 lao động phổ thông, bảo vệ, cấp dưỡng… Công ty cam kết có thưởng năng suất, thưởng chuyên cần, có lương tháng 13, có khu lưu trú cho công nhân và đảm bảo công việc ổn định.
Trong dịp trước thềm Tết Nguyên đán, thị trường lao động cũng mở ra cơ hội việc làm với lao động chưa qua đào tạo nghề, hoặc sơ cấp nghề (chiếm 40% nhu cầu tuyển dụng) và chưa có nhiều kinh nghiệm làm việc.
Các công việc cụ thể cho phân khúc này là bảo vệ, vệ sinh công nghiệp - giúp việc nhà, phục vụ các ngành hàng ăn uống, giao hàng, bán hàng, đóng gói sản phẩm, quà tết, nhân viên trang trí cảnh quan. Ông Trần Anh Tuấn đánh giá, trước Tết Nguyên đán, TPHCM cần khoảng 25.000 lao động ổn định và 30.000 lao động thời vụ.
Chính sách chăm lo tết cho người lao động góp phần tích cực ổn định thị trường lao động. Vì thế, dự báo sự thiếu hụt lao động sau tết chỉ khoảng 2% - 3%; và tỷ lệ này là 4% - 5% đối với những ngành sử dụng nhiều lao động như dệt may, giày da, chế biến thực phẩm.
Theo ông Trần Anh Tuấn, dự báo sau Tết Nguyên đán 2019, TPHCM không có biến động về lao động chất lượng cao. Biến động chủ yếu ở lao động phổ thông, đặc biệt ở các ngành dệt may, giày da, chế biến thủy hải sản. Dự kiến, tháng 3-2019, TPHCM cần khoảng 30.000 chỗ làm việc.
Việc thiếu hụt lao động sau Tết Nguyên đán là cơ hội cho người lao động, nhất là sinh viên mới tốt nghiệp, tìm được việc làm. Hiện trong số những người đang kiếm việc làm có tới 60% là cử nhân.
Khảo sát của đơn vị tuyển dụng trực tuyến lớn nhất Việt Nam - VietnamWorks, cho thấy 38% sinh viên mới ra trường cho biết họ không có định hướng nghề nghiệp cụ thể nên cảm thấy khó khăn khi tìm kiếm việc làm.
Đây là rào cản lớn nhất của người mới tốt nghiệp khi đi kiếm việc làm. Có đến 61% sinh viên tốt nghiệp “vỡ mộng”, vì kiến thức được trường đào tạo và thực tế làm việc là khác biệt hoàn toàn.
Theo ông Gaku Echizenya, Tổng Giám đốc Navigos Group Việt Nam, để phát triển nhóm nhân lực trẻ thành lực lượng lao động nòng cốt trong tương lai lâu dài, các DN cần chú trọng “trải nghiệm nhân viên”, từ khâu tiền tuyển dụng, tuyển dụng, gia nhập công ty và thời gian thử việc. Nhân sự trẻ rất cần được quan tâm về đào tạo và xây dựng lộ trình nghề nghiệp.
Trong thời gian trải nghiệm nhân viên này, các yếu tố liên quan đến thương hiệu, chế độ phúc lợi, người quản lý trực tiếp, lộ trình đào tạo, lộ trình công việc… rất quan trọng các DN phải đặc biệt quan tâm đến giai đoạn “bản lề” này”.
3 lý do hàng đầu khiến người lao động chuyển việc trong năm 2019: không có cơ hội thăng tiến; không hài lòng với mức lương; đào tạo và phát triển không đúng cách. 10 ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng cao nhất năm 2019: tài chính - đầu tư; bán hàng; hành chính - thư ký; kế toán; IT - phần mềm; marketing; chăm sóc khách hàng; kiểm toán; internet - online media và xây dựng. Nhiều ngành nghề đứng trước nguy cơ thừa nhân lực: bán sỉ - bán lẻ; hoạch định - dự án; thu mua - vật tư - cung vận; quảng cáo - đối ngoại. Các ngành này không tăng về nhu cầu tuyển dụng, nhưng lại đang có nguồn cung lao động tăng mạnh nhất. Theo VietnamWorks |