Mua bao nhiêu cũng có, bán bao nhiêu cũng thu
Anh Lê Toàn (ngụ quận 5, TPHCM) cho biết, anh có 3 lượng vàng SJC mua từ lâu, không còn giữ hóa đơn, khi đem đi bán, một số tiệm vàng lớn không mua, còn Công ty SJC mua vào thấp hơn 2 triệu đồng/lượng so với giá bán ra, do trừ tiền vỉ ép cũ. Thấy thua thiệt, anh rao bán trên các hội nhóm Facebook và có kết quả tức thì. “Tôi đã bán được 3 lượng vàng với mức giá 88 triệu đồng/lượng, cao hơn so 1 triệu đồng so với giá thu vào của các doanh nghiệp kinh doanh vàng trong ngày 23-10. Rất đơn giản, hẹn nhau giao dịch tại quán cà phê. Người mua vàng chỉ đến lấy vàng mà không yêu cầu phải có giấy kiểm định gì cả”, anh Toàn kể lại.
Một số tiệm vàng hiện cũng mua bán vàng SJC theo hình thức “trao tay”, dù theo quy định, chỉ có 22 ngân hàng và 16 doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh vàng miếng. Một nhân viên của tiệm vàng K.H. trên đường Nguyễn Đình Chiểu (quận 3, TPHCM) tiết lộ, tiệm mua - bán tất cả các loại vàng, kể cả vàng miếng SJC với mức giá chênh lệch cao hơn 1 triệu đồng/lượng so với giá niêm yết tại các đơn vị được phép bán vàng. “Mua bao nhiêu cũng có, trên 20 lượng thì báo trước một tiếng đồng hồ là được. Có thể trả tiền mặt hoặc chuyển khoản. Không có hóa đơn mà chỉ có phiếu mua vàng để tiện khi quay lại đây bán”, nhân viên này cho biết. Cũng tại tiệm vàng này, vàng miếng SJC nếu vỉ ép còn mới, có hóa đơn sẽ được thu cao hơn 1 triệu đồng/lượng so với Công ty SJC niêm yết; nếu vỉ ép cũ, bị rách và không có hóa đơn cũng thu cao hơn 600.000-800.000 đồng/lượng.
Những mạng xã hội như Facebook hiện có nhiều hội nhóm mua bán vàng, mỗi nhóm có chục ngàn đến vài chục ngàn thành viên. Nơi đây không chỉ nhộn nhịp rao bán suất mua vàng, nhận đăng ký mua dùm vàng miếng SJC mà còn sôi động mua bán vàng miếng SJC, vàng nhẫn các thương hiệu lớn. Sau khi PV Báo SGGP nhắn về nhu cầu mua 5 lượng vàng SJC tại TPHCM, ngay lập tức có 4-5 thành viên nhắn tin riêng giao dịch với mức giá cao hơn giá niêm yết 1-1,5 triệu đồng/lượng, nếu mua trên 10 lượng có thể được giao tận nhà và khẳng định “muốn mua bao nhiêu cũng có”. Thành viên T.V.L. tại nhóm “Mua bán giao dịch vàng miếng SJC” cho biết: Hóa đơn của các ngân hàng thì mới có số seri vàng, còn hóa đơn của Công ty SJC thì không có số seri.
Lãnh đạo một ngân hàng tại TPHCM cho biết, việc bùng nổ hoạt động đăng ký mua vàng trực tuyến rồi bán lại cũng là một trong những nguyên nhân khiến việc đăng ký mua vàng trực tuyến của người dân có nhu cầu mua vàng thật gặp nhiều khó khăn.
Trong các hội nhóm, rất nhiều người rao nhận đăng ký mua vàng SJC với suất mua 100.000-200.000 đồng/lượt, bao đăng ký thành công trong ngày. Người có nhu cầu phải cung cấp thông tin cá nhân, kể cả số căn cước công dân, để khi đăng ký xong, cầm phiếu mua vàng đúng giờ hẹn, nhận vàng, trả tiền. “Nhóm em có cả trăm thành viên đăng ký liên tục, chứ chạy phần mềm hay robot để nhập thông tin tự động rất dễ bị thất bại”, thành viên M.N. cho hay. Vàng nhẫn 9999 của các thương hiệu lớn khan hiếm tại các cửa hàng chính thức, nhưng trong các hội nhóm này được rao bán đủ loại, như vàng nhẫn SJC, PNJ, Doji, Bảo Tín Minh Châu… chênh lệch 100.000-200.000 đồng/chỉ.
Rủi ro vàng giả, không đủ tuổi
Việc mua bán qua các kênh không chính thức nói trên chắc chắn tiềm ẩn nhiều rủi ro, dễ dẫn đến tình trạng “tiền mất tật mang”.
Đại diện Hiệp hội Kinh doanh vàng TPHCM cho biết, người dân nên giao dịch những nơi có giấy phép mua bán vàng hợp pháp. Việc mua bán các loại vàng miếng, vàng nhẫn không có hóa đơn chứng từ có thể bị cơ quan chức năng xác định là hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ. “Tình trạng người dân khó mua vàng nhẫn trơn là có thật, vì nguồn cung khan hiếm, dẫn tới việc nhiều người lên các diễn đàn, hội nhóm giao dịch trực tiếp với nhau. Nếu sản phẩm kém chất lượng, ai chịu trách nhiệm? Do đó, người dân nên mua bán vàng tại các đơn vị được cấp phép để được bảo đảm về chất lượng, không bị thiệt hại”, ông Nguyễn Văn Dưng, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ kim hoàn TPHCM, khuyến nghị.
Trước thực trạng này, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM, cũng đề nghị người dân cẩn trọng khi nhờ đăng ký mua vàng. Đề phòng đối tượng xấu đánh cắp dữ liệu cá nhân để thực hiện các mục đích phi pháp như vay tín dụng online, mua hàng trả sau; gửi cho khách hàng những thông tin đăng ký thành công ảo bằng photoshop nhằm chiếm đoạt phí; theo dõi khách trong quá trình mua, nhận vàng để tổ chức cướp, giật...
Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, các giải pháp ổn định thị trường vàng của Ngân hàng Nhà nước đã đạt hiệu quả thu hẹp chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới. Tuy nhiên, thị trường thiếu nguồn cung, trong khi cầu rất cao nên cần thêm những giải pháp khác phù hợp hơn. Ngân hàng Nhà nước có thể giao việc nhập khẩu vàng cho các nhà kinh doanh vàng uy tín và chỉ đảm nhận vai trò quản lý. Việc cho phép các doanh nghiệp vàng được nhập khẩu và xuất khẩu vàng sẽ khiến nguồn cung trên thị trường dồi dào và ổn định hơn. Nhà nước chỉ kiểm soát thị trường bằng công cụ thuế. “Không nhất thiết phải độc quyền nhà nước về một thương hiệu vàng. Việc kiểm soát độc quyền vàng miếng SJC đã quá lâu và nên sớm gỡ bỏ. Để làm được điều này cần sửa đổi sớm Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng nhằm hướng đến thị trường vàng ổn định, minh bạch”, TS Nguyễn Trí Hiếu đề xuất.
Thị trường vàng ổn định trở lại, người dân vẫn khó mua bán
Tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, trong số 4 nhóm vấn đề (được đề xuất chọn 3 để chất vấn) có lĩnh vực ngân hàng. Đó là công tác quản lý nhà nước về thị trường vàng, thị trường ngoại hối; việc điều hành chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới nhiều biến động… Liên quan đến nội dung này, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có báo cáo gửi Quốc hội về công tác quản lý nhà nước về thị trường vàng.
Theo báo cáo, cơ quan này đã có tờ trình Thủ tướng ngày 20-3-2024 về báo cáo tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Nghị định 24/2012/NĐ-CP quy định về hoạt động kinh doanh vàng. NHNN đã phối hợp các bộ ngành và địa phương triển khai tổng thể các giải pháp để xử lý tình trạng chênh lệch giá vàng cao, ổn định thị trường vàng, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô; chỉ đạo NHNN các địa phương phối hợp cơ quan chức năng tăng cường nắm bắt tình hình, kiểm tra, thanh tra hoạt động kinh doanh vàng tại địa phương.
NHNN cũng đã yêu cầu các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh mua bán vàng miếng chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về hoạt động kinh doanh vàng; thực hiện chế độ hóa đơn chứng từ theo quy định của pháp luật. NHNN đã phối hợp Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ, Bộ Công thương, Bộ Tài chính tổ chức đoàn thanh tra liên ngành về việc chấp hành chính sách, pháp luật trong hoạt động kinh doanh vàng theo Quyết định 324 ngày 17-5-2024. Đến nay, việc thanh tra trực tiếp đã kết thúc và đang trong quá trình dự thảo báo cáo kết luận. Trên cơ sở các quy định của pháp luật hiện hành, NHNN cũng tổ chức đấu thầu bán vàng miếng trực tiếp để bổ sung nguồn cung vàng miếng SJC cho thị trường; phối hợp các bộ ngành, nhất là Bộ Công an và chính quyền các địa phương, để đảm bảo an ninh trật tự, đảm bảo hiệu quả của các phương án can thiệp.
Với những giải pháp đồng bộ nói trên và sự phối hợp hiệu quả của các cơ quan chức năng, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới đã được kiểm soát, duy trì với biên độ phù hợp (hiện cao hơn giá vàng thế giới khoảng 5%-7%). “Thị trường vàng đã ổn định trở lại, góp phần hỗ trợ tích cực cho thị trường ngoại tệ, tỷ giá và điều hành các chính sách kinh tế vĩ mô”, đại diện NHNN đánh giá.
Phản ánh thực tiễn, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, thị trường vàng đang diễn biến tích cực cho điều hành tỷ giá và các yếu tố vĩ mô. Tuy nhiên, với người dân, việc mua, bán vàng đang gặp nhiều khó khăn. Hiện giá vàng miếng SJC đã chạm mốc 89 triệu đồng/lượng, song thị trường rất khan hiếm hàng hóa. Thanh khoản thị trường vàng giảm đột ngột suốt 4 tháng qua, từ khi NHNN triển khai bán vàng miếng qua 4 ngân hàng lớn, Công ty SJC và các cơ quan quản lý tiến hành một loạt giải pháp đồng bộ để siết chặt quản lý thị trường này.
ANH PHƯƠNG