Ông Nityanand Sharma, Giám đốc điều hành của công ty chuyên cung cấp các giải pháp thanh toán Simpl Technologies, cho biết đại dịch Covid-19 khiến người dân cảnh giác với các tương tác và tiếp xúc gần, qua đó mang lại cho thanh toán trực tuyến một động lực mới.
Thanh toán trực tuyến được áp dụng trong mọi hoạt động của đời sống, từ mua hàng tạp hóa, thanh toán các loại hóa đơn đến trả tiền taxi. Các nền tảng thương mại trực tuyến như Flipkart, Amazon India và Paytm Mall phát triển nở rộ trong đại dịch nhờ nhu cầu mua sắm rất lớn của người dân trong những ngày phong tỏa.
Bên cạnh đó, nhằm tạo thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa trong các hoạt động mua sắm, Chính phủ Ấn Độ đã áp dụng những chính sách vận chuyển linh hoạt, như cho phép sử dụng giấy phép lái xe làm thẻ thu phí tự động không dừng, tránh được tình trạng hàng hóa bị ách tắc hoặc ùn ứ kéo dài. Ở cảng biển, các hãng vận tải không áp dụng phí lưu giữ container đối với hàng hóa xuất nhập khẩu trong thời gian phong tỏa. Còn ngành đường sắt, trong trường hợp không có khách vì đại dịch, tàu hỏa sẽ tập trung vận chuyển hàng hóa thiết yếu, bưu kiện cho doanh nghiệp địa phương và người mua hàng thương mại điện tử.
Theo Hiệp hội Các công ty dịch vụ và phần mềm Ấn Độ (NASSCOM), thị trường thương mại điện tử của Ấn Độ dự kiến sẽ tăng gấp hơn 3 lần, từ mức ước tính 64 tỷ USD năm 2020 lên 200 tỷ USD vào năm 2026. Sự tăng trưởng ấn tượng của ngành này chủ yếu nhờ tỷ lệ người dùng Internet và điện thoại thông minh tại Ấn Độ ngày càng cao, sức mua ngày càng lớn, trong khi các nền tảng trực tuyến ngày càng thông minh, mang lại sự tiện lợi và những lựa chọn đa dạng cho người tiêu dùng. Thống kê của Google cho thấy, cứ 3 người Ấn Độ thì có 1 người hiện đang dùng Internet. Với tốc độ tăng 100 triệu người dùng Internet mỗi năm, Ấn Độ được coi là thị trường đầy hấp dẫn đối với bất cứ nhà kinh doanh thương mại điện tử nào.
Những bước phát triển trong thanh toán kỹ thuật số tại Ấn Độ chính là kết quả từ việc triển khai hiệu quả nền tảng số hóa sâu rộng trong xã hội từ năm 2014, sau khi Thủ tướng Narendra Modi lên nắm quyền. Có thể kể đến những sáng kiến nổi bật như: “Kỹ thuật số Ấn Độ”, “Sản xuất tại Ấn Độ”, “Khởi nghiệp Ấn Độ”, “Kỹ năng Ấn Độ”, “Quỹ đổi mới sáng tạo”, hay SAMRIDH (chương trình thúc đẩy khởi nghiệp).
Việc triển khai kịp thời các chương trình này cùng nhiều sáng kiến khác trước đó đã giúp tạo ra hàng loạt “kỳ lân” (công ty khởi nghiệp có giá trị trên 1 tỷ USD) trong một hệ sinh thái khởi nghiệp hấp dẫn và ngày càng hoàn thiện. Sự tham gia mạnh mẽ của hàng loạt công ty công nghệ về thương mại, tài chính, giáo dục, logistics… đang là động lực then chốt thúc đẩy ngành thương mại điện tử và thanh toán kỹ thuật số tại Ấn Độ phát triển mạnh mẽ, kể cả trong thời đại dịch.