Thống kê trong thời gian qua, hoạt động này diễn ra sôi nổi trên thị trường với những thương vụ như Công ty Abbot mua 51% cổ phần Công ty Domesco và mua lại Glomed Pharmaceutical; Công ty Taisho tăng sở hữu tại Công ty Dược Hậu Giang lên 34,3% cổ phần; Công ty Stada Service Holding B.V được chấp thuận tăng tỷ lệ sở hữu lên tối đa 72% cổ phần tại Công ty Pymepharco; Adamed Group đã thâu tóm 70% cổ phần của Công ty Davipharm… Ngành dược Việt Nam đã và đang thu hút đầu tư chiến lược của nhiều doanh nghiệp lớn như Vingroup, FPT, Thegioididong, Vinamilk, Masan… Do đó, hợp tác quốc tế hay bắt tay với nhà đầu tư trong và ngoài nước là một hướng đi quan trọng để doanh nghiệp ngành dược Việt Nam phát triển và thu hút đầu tư.
Dự báo giai đoạn từ nay đến năm 2021, ngành dược sẽ đạt mức tăng trưởng 11,4%. Để nắm được cơ hội đầu tư, kinh doanh, một số doanh nghiệp trong nước (Công ty cổ phần Dược Hậu Giang, Công ty cổ phần Đầu tư Thảo Dược Xanh…) đã và đang thực hiện chiến lược mở rộng quy mô. Trong đó, doanh nghiệp chủ động xây dựng hệ thống phân phối, phát triển bán hàng online trên nền tảng chuyển đổi kỹ thuật số.
Đây là những bước tiến quan trọng nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập thị trường thương mại tự do. Các doanh nghiệp cho rằng, chỉ có chiến lược hợp tác quốc tế mới đủ sức tăng nội lực phát triển trong thời gian tới. Song song đó, doanh nghiệp chú trọng xây dựng phát triển thương hiệu, tăng cường xúc tiến thương mại, ứng dụng công nghệ 4.0… để chủ động tăng cơ hội thu hút đầu tư, cũng như tìm kiếm đối tác đầu tư, kinh doanh.