Sôi động phim Tết

Lâu lắm rồi mới lại có một mùa phim Tết sôi động với 3 bộ phim nhựa (“Nữ tướng cướp”, “Lấy vợ Sài Gòn”, “Khi đàn ông có bầu”) cùng chạy đua vào rạp. Và cũng lần đầu tiên, phim của các hãng tư nhân dám “đấu” với phim của hãng nhà nước “giành” rạp chiếu trong dịp Tết. Tiếc rằng, mùa phim chiếu Tết chỉ sôi động ở phía Nam.
Sôi động phim Tết

Lâu lắm rồi mới lại có một mùa phim Tết sôi động với 3 bộ phim nhựa (“Nữ tướng cướp”, “Lấy vợ Sài Gòn”, “Khi đàn ông có bầu”) cùng chạy đua vào rạp. Và cũng lần đầu tiên, phim của các hãng tư nhân dám “đấu” với phim của hãng nhà nước “giành” rạp chiếu trong dịp Tết. Tiếc rằng, mùa phim chiếu Tết chỉ sôi động ở phía Nam.

  • Từng có một phong trào làm phim Tết
Sôi động phim Tết ảnh 1

Cảnh trong phim “Nữ tướng cướp”.

Ở nước ta, phong trào làm phim Tết bắt đầu sôi động khoảng thập niên 90 của thế kỷ trước. Ngày ấy, lịch chiếu phim Tết có tới 5 - 7 bộ phim xếp hàng, phim nào kém khán giả là bật ra ngay để phim khác chen vào. Sau đó, vì nhiều lý do, phim Tết “tuyệt tích”.

Bẵng đi mấy năm, chúng ta không có phim Việt Nam phục vụ bà con đón xuân. Đến năm 2002, Hãng Phim truyện Việt Nam mạnh dạn trở lại làm phim chiếu Tết. Bộ phim Tết này ai đến xông nhà đạt doanh thu 550 triệu trong dịp Tết 2002 nên sang Tết 2003 Hãng phấn khởi làm tiếp Một giờ làm quan, tiếc là không đạt được doanh thu khả quan khiến Hãng chùn bước.

Sau đó, nhờ doanh thu không ngờ từ bộ phim tài trợ Gái nhảy, Hãng phim Giải Phóng bỏ vốn hợp tác làm phim Lọ lem hè phố và tung ra vào dịp Tết 2004. Khởi chiếu từ 29 Tết đến mùng 4 Tết, Lọ lem hè phố đã thu về 4 tỷ. Điều này đã thổi bùng lại phong trào làm phim Tết Con gà 2005.

  • Thị trường phim Tết: Bắc lạnh, Nam nóng
Sôi động phim Tết ảnh 2
Cảnh trong phim “Lấy vợ Sài Gòn”.

Sở dĩ nói Bắc “lạnh” vì cho đến thời điểm này không thấy hãng phim nào ngoài Bắc tham gia thị trường phim chiếu Tết. Có lẽ sau Một giờ làm quan, các hãng ngoài Bắc đã không còn mặn mà với phim Tết.

Thực ra, hãng nào cũng có vài bộ phim đã làm xong nhưng không thể chiếu Tết vì nhiều lý do chủ quan lẫn khách quan. Mặt khác, theo truyền thống, với người miền Bắc Tết là dịp để sum họp gia đình, thăm hỏi người thân, người ta gọi là “ăn Tết”. Trong khi đó, với người miền Nam là “chơi Tết”, vui vẻ ở các trung tâm giải trí. Vì vậy, việc phát hành phim Tết ở phía Nam dễ thắng hơn phía Bắc.

Ngay từ tháng 7, tháng 8 thị trường phim phía Nam đã nóng bởi các hãng phim tư nhân và nhà nước theo nhau làm phim chiếu Tết, đến đầu tháng 12-2004 càng nóng hơn khi 3 bộ phim chính thức đăng ký với Công ty Điện ảnh TP Hồ Chí Minh - đơn vị quản lý rạp - cùng đua giành quyền chiếu phim Tết. Cả 3 bộ phim Khi đàn ông có bầu (Hãng phim tư nhân Phước Sang), Nữ tướng cướp (Hãng phim tư nhân Thiên Ngân) và Lấy vợ Sài Gòn (Hãng phim Giải Phóng) đều có những thế mạnh riêng về sự hấp dẫn ở nội dung, dàn diễn viên, cách dàn dựng mới lạ. Có thể nói, lần đầu tiên phim tư nhân “đấu” với phim nhà nước (vì thực ra Hãng phim Giải Phóng cũng bỏ tiền túi làm phim).

Có lẽ tự tin ở khả năng dẫn đầu cuộc đua nên Hãng phim Phước Sang đã chuẩn bị kế hoạch quảng cáo phim Khi đàn ông có bầu từ 3 tháng nay. Đến nay, chỉ có Hãng Phước Sang thành lập trang web riêng với đầy đủ thông tin, album ảnh về chuyện hậu trường làm phim, thi đánh giá về phim với những giải thưởng có giá trị cao.

Còn Hãng Thiên Ngân vào cuối tháng 12-2004 đã chiếu giới thiệu bộ phim Nữ tướng cướp và bắt đầu chiến dịch quảng cáo phim. Hãng phim Giải Phóng cũng tích cực tuyên truyền cho phim Lấy vợ Sài Gòn trên trang web của hãng...

Trong cuộc đua phim chiếu Tết, được lợi hơn cả vẫn là khán giả. Khoan đánh giá chất lượng nghệ thuật cũng như dư luận khán giả của phim Tết vì phim chưa chiếu, mong sao những năm sau chúng ta sẽ duy trì được mùa phim Tết sôi động, hấp dẫn.

PHÚC NHƯ THỦY

Tin cùng chuyên mục