Tăng trưởng “nóng”
Trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII điều chỉnh, 2016) đặt ra mục tiêu và định hướng ưu tiên phát triển nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo, tạo đột phá trong việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, góp phần bảo tồn tài nguyên năng lượng, giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường trong sản xuất điện.
Cụ thể, quy hoạch đưa ra mục tiêu nâng tổng công suất nguồn điện gió từ mức 140MW hiện nay lên khoảng 800MW vào năm 2020, khoảng 2.000MW vào năm 2025 và khoảng 6.000MW vào năm 2030. Đẩy nhanh phát triển nguồn điện sử dụng năng lượng mặt trời, bao gồm cả nguồn tập trung lắp đặt trên mặt đất và nguồn phân tán lắp đặt trên mái nhà. Đưa tổng công suất nguồn điện mặt trời từ mức không đáng kể hiện nay lên khoảng 850MW vào năm 2020, khoảng 4.000MW vào năm 2025 và khoảng 12.000MW vào năm 2030.
Bên cạnh đó, phát triển điện sử dụng nguồn năng lượng sinh khối, đồng phát điện tại các nhà máy đường, nhà máy chế biến lương thực, thực phẩm; thực hiện đồng đốt nhiên liệu sinh khối với than tại các nhà máy điện than; phát điện từ chất thải rắn. Ưu tiên phát triển các nguồn thủy điện, nhất là các dự án lợi ích tổng hợp (chống lũ, cấp nước, sản xuất điện).
Hưởng ứng chương trình điện mặt trời mái nhà, tính đến ngày 31-8, cả nước đã có 12.765 công trình điện mặt trời mái nhà đăng ký bán điện cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) với tổng sản lượng điện bán là 30,5 triệu kWh. Trong đó, tổng công suất các công trình điện mặt trời mái nhà của khách hàng là 216MWp.
Tương tự, hiện có 9 nhà máy/trang trại điện gió đang vận hành với tổng công suất 304,6MW. Trong đó, lớn nhất là trang trại điện gió Bạc Liêu với gần 100MW, nhỏ nhất là nhà máy điện gió Phú Quý 6MW nối lưới độc lập (không nối lưới điện quốc gia) trên đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận, còn lại là 7 nhà máy điện gió quy mô công suất nhỏ dưới 50MW. Bên cạnh đó, 18 dự án nhà máy/trang trại điện gió đã được khởi công và đang trong quá trình xây dựng với tổng công suất 812MW, trong đó có 2 dự án có công suất từ 100MW trở lên là Bạc Liêu 3 và Khai Long (Cà Mau).
Có thể thấy, các nguồn cung năng lượng tái tạo đang là bổ sung quý giá đối với hệ thống trong điều kiện nguồn điện đang khó khăn. Tuy nhiên, một số lượng lớn các nhà máy điện mặt trời đi vào vận hành trong thời gian ngắn đã và đang gây không ít khó khăn, thách thức cho công tác vận hành hệ thống điện. Nguyên nhân là do tính chất bất định, phụ thuộc vào thời tiết của loại hình nguồn điện này.
Bên cạnh đó, việc phát triển nóng và ồ ạt các dự án điện mặt trời tập trung tại một số tỉnh như Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắk Lắk đã gây ra hiện tượng quá tải lưới 110kV, 220kV tại các khu vực trên.
Chưa tương xứng tiềm năng
Theo đánh giá của các chuyên gia, mặc dù Việt Nam là một nước có tiềm năng lớn về nguồn năng lượng tái tạo, nhưng cho đến nay số các dự án thực hiện còn rất ít, tỷ trọng điện tái tạo trong tổng lượng điện sản xuất là không đáng kể. Nguyên nhân là do thiếu chính sách đủ mạnh, đồng bộ bao gồm từ điều tra, đánh giá tiềm năng đến khai thác và sử dụng. Thiếu cơ chế tài chính hiệu quả cho việc đầu tư, quản lý, vận hành các dự án điện tái tạo tại khu vực vùng sâu, vùng xa ngoài lưới.
Mặt khác, thiếu một quy hoạch tổng thể phát triển điện tái tạo quốc gia cũng như cơ quan đầu mối tập trung, với chức năng đủ mạnh để điều hành. Bên cạnh đó là thách thức về công nghệ, kỹ thuật; về kinh tế, tài chính…
Để khuyến khích phát triển, phục vụ các mục tiêu nêu trên, Bộ Công thương đã xây dựng và trình Chính phủ ban hành hàng loạt các cơ chế khuyến khích cho điện mặt trời, điện gió, điện sản xuất từ chất thải rắn, điện sinh khối... Chính phủ cũng ban hành các chính sách ưu đãi khác cho các nhà đầu tư như ưu tiên cung cấp tín dụng, miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất, sử dụng hợp đồng mua bán điện mẫu… Tuy nhiên, việc phát triển các nguồn năng lượng tái tạo trong thời gian qua vẫn tiếp tục đối mặt với một số bất cập và thách thức như chi phí đầu tư còn cao, số giờ vận hành nguồn điện thấp, cơ sở hạ tầng lưới điện một số khu vực nhiều tiềm năng chưa sẵn sàng để giải phóng công suất, yêu cầu sử dụng đất lớn (nhất là các dự án điện mặt trời), các khó khăn trong điều khiển, điều độ hệ thống điện.
Để Việt Nam có thể vượt qua những thách thức này, rất cần sự chung tay, ủng hộ và nỗ lực hành động của các bên, từ các nhà hoạch định chính sách, các doanh nghiệp, nhà nghiên cứu, chính quyền và cộng đồng địa phương đến các tổ chức phát triển hay khối tài chính, ngân hàng.
“Việc ưu tiên sử dụng năng lượng hiệu quả và đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo sẽ giúp đảm bảo an ninh năng lượng, giảm phụ thuộc vào nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch, giảm ô nhiễm, tạo cơ hội thu hút đầu tư và tạo việc làm cho các địa phương phát triển kinh tế... Do đó, để đảm bảo chuyển dịch năng lượng công bằng, hài hòa lợi ích của các bên, cần tăng cường đối thoại, chia sẻ thông tin, giải pháp, bài học kinh nghiệm giữa các quốc gia, địa phương và hợp tác cùng hành động tháo gỡ khó khăn, mở đường đưa năng lượng sạch tới từng ngôi nhà Việt”, Giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo xanh (GreenID), Cơ quan điều phối VSEA Ngụy Thị Khanh chia sẻ.