Vốn FDI luôn đứng thứ 2
Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, trong 4 tháng đầu năm 2018, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt trên 8 tỷ USD. Trong đó, có 883 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư, với tổng vốn đăng ký 3,55 tỷ USD và trên 300 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, tăng thêm 2,24 tỷ USD; hơn 1.860 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, với tổng giá trị vốn góp là 2,26 tỷ USD. Tính đến hết tháng 4, số vốn FDI đầu tư đã giải ngân được 5,1 tỷ USD. Đáng chú ý, trong số 17 ngành, lĩnh vực được nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đầu tư thì lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm số vốn đăng ký lớn nhất, đạt 4,52 tỷ USD (chiếm 56% tổng vốn đầu tư đăng ký). Lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng thứ hai, với tổng vốn đầu tư 807 triệu USD, chiếm 10% tổng vốn đầu tư đăng ký. Kế tiếp mới là lĩnh vực bán buôn, bán lẻ với tổng vốn đầu tư đăng ký 779 triệu USD, chiếm 9,7% tổng vốn đầu tư đăng ký…
Theo các chuyên gia, muốn nền kinh tế phát triển ổn định thì phải phát triển những ngành có giá trị gia tăng cao, có hàm lượng chất xám lớn. Trong khi đó, đầu tư vào lĩnh vực bất động sản chỉ là mua bán kiếm lời chứ không tạo ra giá trị gia tăng lớn cho xã hội. Do vậy, nếu Việt Nam chỉ châm chú vào thu hút vốn đầu tư và lấy số vốn lớn làm mức đo thành công thì cần phải xem xét lại dưới góc độ hiệu quả xã hội, đó là mang lại giá trị gia tăng như thế nào cho xã hội. Nếu không, nhà đầu tư chỉ khai thác lợi ích từ nguồn tài nguyên đất đai, rồi thu lời mang về nước, thì hoạt động thu hút vốn FDI sẽ mất đi ý nghĩa.
Sôi động M&A
Hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) trong lĩnh vực bất động sản thời gian qua đã diễn ra nhộn nhịp, với sự tham gia của các nhà đầu tư trong nước lẫn nước ngoài. Điển hình như Tập đoàn Sovico vừa mua 50% vốn của Liên doanh An Khánh JVC (chủ đầu tư dự án Splendora) với tổng mức đầu tư 2 tỷ USD tại Hà Nội; Đất Xanh Group cũng tiến hành nhiều thương vụ thu gom quỹ đất để lập các dự án Opal Garden, Opal Skyview (quận Thủ Đức, TPHCM)… Một số thương vụ M&A khối ngoại cũng diễn ra mạnh mẽ như Keppel Land (Singapore) mua 16% cổ phần còn lại của Tổng công ty cổ phần Đường sông miền Nam (Sowatco) trong dự án khu phức hợp Saigon Centre ở TPHCM; Hongkong Land trở thành đối tác chiến lược với Công ty Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TPHCM (CII) để phát triển nhà ở tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm; Quỹ đầu tư Warburg Pincus thành lập liên doanh với VinaCapital có quy mô 300 triệu USD, nhằm đầu tư vào phân khúc khách sạn nghỉ dưỡng; Warburg Pincus thâu tóm Công ty Quản lý khách sạn Serenity Holding và giữ 50% cổ phần trong khách sạn Sofitel Legend Metropole Hà Nội… Song song thị trường bất động sản tăng, các cổ phiếu chứng khoán bất động sản cũng khởi sắc. Cổ phiếu của các tập đoàn lớn như Vingroup, Novaland... đã tăng theo cấp số nhân trong năm qua.
Những năm gần đây, vốn nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực bất động sản cũng liên tục tăng. Phân khúc nhà ở đã từng hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài thì nay các nhà đầu tư dần chuyển sang thị trường bất động sản thương mại; đặc biệt tập trung vào các dự án văn phòng, khách sạn hạng sang ở vị trí đắc địa. Hiện hàng trăm triệu USD đang chờ đợi đổ vào thị trường Việt Nam bằng phương thức M&A để đỡ tốn thời gian, chi phí xin cấp phép dự án mới. Tuy nhiên, hiệu quả đồng vốn FDI đem lại lợi ích cho xã hội như thế nào khi đầu tư quá lớn vào bất động sản vẫn đang chờ có sự phân tích thấu đáo từ Trung ương. Nếu không, nguồn tài nguyên đất đai được các nhà đầu tư khai thác, thu lợi đem về nước và để lại giá trị gia tăng cho xã hội không cao. Đã đến lúc cần xem xét, chọn lọc trong thu hút vốn FDI để hoạt động đầu tư có hiệu quả tốt nhất.