Sôi động cuộc đua trên thị trường bán lẻ

Thị trường bán lẻ Việt Nam có sự cạnh tranh rất gay gắt, song với lợi thế am hiểu người tiêu dùng Việt cùng sự thay đổi để bắt nhịp xu thế, doanh nghiệp bán lẻ tin tưởng sẽ tìm được chỗ đứng vững chắc.

Khốc liệt cuộc đua bán lẻ

Thị trường bán lẻ Việt Nam được đánh giá tiềm năng và có mức tăng trưởng cao khi quy mô thị trường đã vượt con số 180 tỷ USD trong năm 2023, đồng thời được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng trong những năm tiếp theo. Chính vì vậy, ngoài các doanh nghiệp bán lẻ nội địa, thời gian qua, hàng loạt tên tuổi lớn như Aeon (Nhật Bản); Lotte (Hàn Quốc); Crescent Mall (Đài Loan), các tập đoàn bán lẻ của Thái Lan, Singapore đã và đang tiếp tục đổ vốn đầu tư vào thị trường này.

XHH 8B.jpg
Phối cảnh TTTM SATRA tại 1466 đường Võ Văn Kiệt, phường 3, quận 6, TPHCM

“Các nhà bán lẻ trên thế giới khi nhìn vào Việt Nam đều chung nhận định đây là thị trường béo bở. Cụ thể là Việt Nam có trên 100 triệu dân và sức mua của người dân nơi đây rất tốt. Do đó rất nhiều nhà bán lẻ trên thế giới muốn đầu tư vào Việt Nam”, TS Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Công ty Dịch vụ bất động sản Savills Việt Nam, đánh giá.

Bên cạnh đó, theo thống kê tổng hợp từ một số nguồn cho thấy, các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài đã có kế hoạch mở cửa hoạt động và rót vốn đầu tư mạnh mẽ tại thị trường Việt Nam trong 5 năm tới. Chẳng hạn Central Retail (Thái Lan) gần đây đã công bố sẽ đầu tư thêm 20.000 tỷ đồng vào thị trường bán lẻ Việt Nam trong 5 năm tới. Với việc rót thêm vốn đầu tư lớn vào Việt Nam, Central Retail sẽ nhân rộng điểm bán từ 40 tỉnh, thành phố hiện nay lên 55 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Tương tự, Tập đoàn Aeon (Nhật Bản) cũng đang lên kế hoạch từ nay đến năm 2025 sẽ triển khai thêm 16 dự án tại Việt Nam, trong đó có 3-4 dự án tại Hà Nội, đồng thời sẽ ra mắt các mô hình bán lẻ mới để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, tạo đà phát triển trong tương lai.

Việc các doanh nghiệp bán lẻ ngoại tăng tốc đầu tư vào lĩnh vực bán lẻ đang tạo sức ép cạnh tranh rất gay gắt trên thị trường, nhất là trong giai đoạn sức cầu của thị trường vẫn chưa thực sự khởi sắc như hiện nay. Vì vậy, những đô thị lớn có dân cư đông đúc như Hà Nội, TPHCM luôn là điểm ngắm đầu tiên của doanh nghiệp bán lẻ. Hướng đi này là cơ hội cũng là thách thức đối với đơn vị bán lẻ khối nội.

Chiến lược giành thị phần của bán lẻ nội

Trong cuộc đua này, các doanh nghiệp bán lẻ nội cho biết, dù thị trường có nhiều cạnh tranh song với lợi thế am hiểu người tiêu dùng Việt cùng sự thay đổi để bắt nhịp xu thế, doanh nghiệp nội tin tưởng sẽ tìm được chỗ đứng vững chắc. Điển hình như Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn TNHH Một thành viên (SATRA) - với kinh nghiệm thực tiễn bán lẻ được đúc kết qua quá trình đầu tư và vận hành nhiều trung tâm thương mại, siêu thị, doanh nghiệp này luôn nỗ lực và tự tin có được đội ngũ nhân sự có chuyên môn sâu, kinh nghiệm phong phú ở lĩnh vực bán lẻ, đặc biệt là trung tâm thương mại (TTTM) và siêu thị.

Bên cạnh đó, SATRA sẽ lựa chọn đội ngũ nhân sự nội bộ có kinh nghiệm và năng lực tốt nhất để trực tiếp phát triển, vận hành và quản lý các dự án TTTM.

Chia sẻ với phóng viên Báo SGGP, đại diện SATRA cho biết: Các dự án TTTM khi SATRA phát triển luôn được nghiên cứu thị trường khu vực kỹ lưỡng để đảm bảo việc quy hoạch phân bổ ngành hàng tổng thể của dự án, từng vị trí gian hàng. Tất cả nhằm đảm bảo khi vận hành đây sẽ là điểm đến thu hút, đáp ứng đầy đủ, đa dạng mọi nhu cầu khách hàng đến vui chơi, học tập, ăn uống cũng như mua sắm, đồng thời kiến tạo thành công chung cho các đối tác thuê và SATRA.

Bên cạnh đó, với việc vận hành chuỗi bán lẻ bao gồm TTTM, siêu thị, chuỗi cửa hàng thực phẩm tiện lợi, SATRA luôn duy trì được mối quan hệ hợp tác tốt đẹp, bền vững với các thương hiệu bán lẻ, nhà cung cấp, nhà phân phối nên các đối tác luôn đồng hành cùng SATRA. Theo đó, ở các dự án TTTM mới luôn bảo đảm tỷ lệ lấp đầy mặt bằng kinh doanh và đối tác chiến lược của SATRA sẽ được ưu tiên lựa chọn các vị trí đẹp, thuận lợi để khai thác kinh doanh, trưng bày sản phẩm; đồng thời sẽ được SATRA hỗ trợ một số chính sách ưu đãi về giá thuê, điều kiện tài chính, triển khai vận hành, quảng cáo thương hiệu tại hệ thống bán lẻ SATRA.

“Các TTTM thuộc hệ thống bán lẻ SATRA đều nằm trong khu vực dân cư hiện hữu, với các trường học, khu căn hộ lân cận nên đối tượng trọng điểm đầu tiên là học sinh, sinh viên, giới trẻ và các hộ gia đình, với tần suất ghé tham quan mua sắm, sử dụng dịch vụ, học tập... hàng ngày. Bên cạnh đó các trung tâm cũng hướng đến đối tượng nhân viên văn phòng, chủ doanh nghiệp có nhu cầu lớn trong việc mua sắm, gặp gỡ đối tác, rèn luyện sức khỏe...”, đại diện SATRA chia sẻ thêm.

Tuy nhiên, ngoài nhóm khách hàng trên, với tình hình cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, SATRA sẽ thu hút đa dạng hóa các nhóm khách hàng khác nhau, tập trung vào việc nâng cao trải nghiệm mua sắm, tăng cường chuyển đổi số như đa dạng hóa các kênh bán hàng trực tuyến, tăng cường và đa dạng các hình thức ưu đãi cho khách hàng thành viên để tối đa hóa doanh thu lợi nhuận và lưu lượng khách hàng.

Chẳng hạn đối với khách hàng mua sắm, SATRA chú trọng vào tính tiện lợi, đầu tư vào các chương trình khuyến mãi, chương trình bình ổn thị trường, thường xuyên cập nhật hàng mới, đa dạng mẫu mã, chủng loại... tại các điểm bán lẻ hiện hữu. Đối với khách hàng theo xu hướng giải trí, giới trẻ, SATRA đa dạng các dịch vụ giải trí, thực hiện thường xuyên các sự kiện, lễ hội, đầu tư cho công tác trang trí, trang hoàng theo chủ đề các ngày lễ tết, cập nhật các xu hướng yêu thích của giới trẻ.... tại các TTTM Centre Mall. Hay đối với nhóm khách hàng gia đình, SATRA sẽ chú trọng vào những tiện ích dành cho gia đình, đảm bảo sự tiện nghi, thuận tiện, an ninh, an toàn khi tham quan, mua sắm...

“TTTM đường Võ Văn Kiệt của chúng tôi là ví dụ điển hình cho sự chuyển đổi nói trên”, đại diện SATRA cho biết.

Theo các chuyên gia, quy mô thị trường bán lẻ Việt Nam dự báo sẽ tăng lên 350 tỷ USD vào năm 2025 và tiếp tục là một trong những lĩnh vực tiềm năng. Chính vì thế cuộc đua giành thị phần bán lẻ ở Việt Nam sẽ còn diễn ra khốc liệt hơn trong thời gian tới. Dù vậy, cửa thắng vẫn rộng mở cho tất cả, bao gồm cả doanh nghiệp nội nếu có chiến lược kinh doanh và đầu tư bài bản, đúng hướng, đúng thị hiếu của người tiêu dùng.

Tin cùng chuyên mục