Liên hoan quy tụ 1.500 em thiếu nhi của 34 đoàn thuộc 23 tỉnh thành khu vực phía Nam về tham dự. Loại hình hoạt động này đã được Trung ương Đoàn và Hội đồng Đội Trung ương đánh giá cao.
Năm 2007, liên hoan được tổ chức lần đầu tiên tại Trà Vinh, kế tiếp cứ 2 năm một lần liên hoan diễn ra lần lượt ở các tỉnh Đắk Lắk, Sóc Trăng, Bình Phước, Bình Thuận. Qua 10 năm, nay đến lượt Kiên Giang. Kiên Giang là một tỉnh ven biển thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long, một địa phương có bản sắc văn hóa phong phú đa dạng về văn học, nghệ thuật, lễ hội, ẩm thực, làng nghề truyền thống… Toàn tỉnh có 3 dân tộc chính là Kinh, Khmer, Hoa với nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng như thập vịnh Hà Tiên, đảo ngọc Phú Quốc, TP biển Rạch Giá và điều đáng chú ý là Nhà thiếu nhi Kiên Giang, đơn vị duy nhất được phong anh hùng trong hệ thống các nhà thiếu nhi cả nước… Việc chọn Kiên Giang để tổ chức Liên hoan Văn hóa thiếu nhi các dân tộc khu vực phía Nam lần này rất có ý nghĩa.
Năm 2007, liên hoan được tổ chức lần đầu tiên tại Trà Vinh, kế tiếp cứ 2 năm một lần liên hoan diễn ra lần lượt ở các tỉnh Đắk Lắk, Sóc Trăng, Bình Phước, Bình Thuận. Qua 10 năm, nay đến lượt Kiên Giang. Kiên Giang là một tỉnh ven biển thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long, một địa phương có bản sắc văn hóa phong phú đa dạng về văn học, nghệ thuật, lễ hội, ẩm thực, làng nghề truyền thống… Toàn tỉnh có 3 dân tộc chính là Kinh, Khmer, Hoa với nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng như thập vịnh Hà Tiên, đảo ngọc Phú Quốc, TP biển Rạch Giá và điều đáng chú ý là Nhà thiếu nhi Kiên Giang, đơn vị duy nhất được phong anh hùng trong hệ thống các nhà thiếu nhi cả nước… Việc chọn Kiên Giang để tổ chức Liên hoan Văn hóa thiếu nhi các dân tộc khu vực phía Nam lần này rất có ý nghĩa.
Hoạt động liên hoan khá phong phú, quan trọng nhất là Liên hoan Ca múa nhạc thiếu nhi các dân tộc. Đêm khai mạc diễn ra tại Trung tâm Văn hóa tỉnh thật sôi động với nhiều màu sắc, do các em Nhà thiếu nhi Kiên Giang biểu diễn. Âm vang câu hát “…Mời bạn về thăm Kiên Giang, thăm rừng xanh U Minh, thăm Hà Tiên sóng biếc, thăm vùng lấn biển đẹp xinh…” như mãi đọng lại trong lòng tuổi thơ các vùng miền hội tụ về đây. Trong 4 buổi biểu diễn, 34 chương trình ca múa nhạc thiếu nhi thể hiện khá đậm nét bản sắc văn hóa dân tộc Kinh, Hoa, Khmer, Chăm, Bana, Êđê, Jarai, Stiêng… Đáng chú ý có các chương trình Cao nguyên vào hội (Đắk Lắk), Vui hội cùng trăng (Ninh Kiều, Cần Thơ), Chung một ngôi nhà (Đồng Nai), Phú Quốc, đảo ngọc quê em (Phú Quốc, Kiên Giang), Hương sắc Phú Yên (Phú Yên), Yêu sao Bình Phước quê em (Bình Phước), Vĩnh Thuận ngày hè (Vĩnh Thuận, Kiên Giang), Cam Lâm ngày mới (Cam Lâm, Khánh Hòa). Cánh chim tuổi thơ (Kon Tum), Bình minh trên phum sóc (Trà Vinh), Âm vang cao nguyên (Bảo Lộc, Lâm Đồng)… Trong đêm bế mạc, 3 tiết mục xuất sắc được hội đồng nghệ thuật chọn công diễn là Múa phù điêu (TPHCM), Hòa tấu nhạc cụ dân tộc đàn đá, đàn T’rưng, mã la (Cam Lâm, Khánh Hòa), Vui hội đua ghe Ngo (Ninh Kiều, Cần Thơ).
Ngoài chương trình chính biểu diễn ca múa nhạc, các em nhỏ còn viếng nghĩa trang liệt sĩ tỉnh, biểu diễn phục vụ tại các huyện, trao tặng nhà tình nghĩa Khăn Quàng Đỏ cho một em học sinh dân tộc Khmer vượt khó học tốt, tham quan các danh lam, thắng cảnh…
Liên hoan Văn hóa thiếu nhi các dân tộc khu vực phía Nam chẳng những là một sân chơi lý thú và bổ ích của thiếu nhi mà còn là dịp giúp đỡ, hỗ trợ thiếu nhi các dân tộc, thiếu nhi miền núi, vùng sâu, vùng xa có điều kiện hiểu biết lẫn nhau và cùng phát triển tài năng. Mặt khác, liên hoan còn góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc cho thế hệ trẻ, tăng cường tình cảm bền chặt của khối đại đoàn kết các dân tộc trên đất nước Việt Nam.