Sôi động “bơm” tín dụng cho nền kinh tế

Theo đánh giá, kinh tế 3 quý đầu năm nay tăng trưởng tốt nhờ sự đóng góp đáng kể của dòng vốn từ tín dụng. Trong số đó, nguồn vốn tập trung cho khu vực sản xuất, kinh doanh chiếm tỷ trọng lớn.

Tiếp sức cho doanh nghiệp

Ghi nhận từ cộng đồng doanh nghiệp cho thấy, việc tiếp cận dòng vốn từ ngân hàng dễ dàng với lãi ưu đãi đã thổi luồng sinh khí làm ăn sôi động. Ông Lâm Ngọc Tuấn, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Tuấn Ngọc (TP Thủ Đức, TPHCM), cho biết, HTX đang được vay ưu đãi tại Ngân hàng Agribank với lãi suất 8%/năm đối với các khoản vay trung và dài hạn. Đây là mức lãi suất hợp lý, cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất của HTX.

“Là doanh nghiệp chuyên sản xuất rau và cây ăn trái có chất lượng, giá trị cao, mong muốn sắp tới ngành ngân hàng có thể tạo thêm những khoản vay ưu đãi nhiều hơn để chúng tôi có thể đầu tư nông nghiệp công nghệ cao, nhất là mảng máy móc tự động”, ông Tuấn đề xuất.

Bà Minh Cẩm, Giám đốc Công ty TNHH vật liệu xây dựng H. Phan (Tân Bình, TPHCM), cho biết, cuối năm là mùa cao điểm nên giá vật liệu xây dựng thường tăng cao. Với mức lãi suất ưu đãi 6,8%, mặc dù chưa phải là thấp nhưng với một doanh nghiệp nhỏ được tiếp cận vốn ngân hàng với mức lãi suất này là quá hợp lý.

Ông Quang Quốc Bảo, Giám đốc Công ty CP Hóa dầu B.T, chia sẻ, doanh nghiệp rất thuận lợi trong việc tiếp cận nguồn vốn lưu động. Với mức lãi suất ngắn hạn 5,9%/năm tại HDBank, công ty có thể tranh thủ xoay xở nguồn hàng, đặc biệt là mùa cao điểm cuối năm.

T1a.jpg
Giao dịch tại một ngân hàng ở TPHCM. Ảnh: Hoàng Hùng

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, tính đến ngày 31-10, tín dụng đã tăng 16,65% so với cùng kỳ 2023. Nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) đã đạt mức tăng trưởng tín dụng từ 10%-17% trong 9 tháng đầu năm, tăng cao hơn tín dụng chung toàn ngành. Trong đó, các lĩnh vực sản xuất và tiêu dùng có sự hồi phục đáng kể, cùng với các gói tín dụng ưu đãi cũng góp phần thúc đẩy nhu cầu vay vốn.

Ngoài 3 NHTM dẫn đầu về tăng trưởng tín dụng trong 9 tháng đầu năm 2024 là BIDV tăng 10%, Vietinbank tăng 9,4%, Vietcombank tăng 10,23%, các NHTM tư nhân cũng tăng trưởng mạnh. Ông Từ Tiến Phát, Tổng Giám đốc ACB, cho biết, trong các tháng còn lại của năm nay, ngân hàng sẽ cho vay hết hạn mức tín dụng được cấp hồi đầu năm là 18% vì nhu cầu tín dụng cuối năm thường cao.

“ACB đang tính toán xin cấp thêm hạn mức tín dụng để đẩy mạnh giải ngân gói tín dụng 5.000 tỷ đồng với lãi suất chỉ từ 5%/năm đã cam kết và sẽ nâng lên 10.000 tỷ đồng trong thời gian tới để hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp, ông Phát cho hay.

Cập nhật tăng trưởng tín dụng tại TPHCM, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM, cho biết, tính đến cuối tháng 10-2024, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn TPHCM đạt 3.785 ngàn tỷ đồng, tăng 6,87% so với cuối năm 2023. Những tháng qua, hoạt động tín dụng trên địa bàn tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng là do lãi suất cho vay thấp, cùng với những chính sách hỗ trợ và giải ngân các gói tín dụng ưu đãi…

“Tín dụng trên địa bàn trong 2 tháng cuối năm và dịp Tết Âm lịch dự báo còn tăng trưởng cao hơn các tháng trước do nhu cầu sản xuất, tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ thường tăng cao”, ông Lệnh cho hay.

“Bơm” vốn mạnh, lợi nhuận cao

Mặc dù con số tăng trưởng tín dụng vẫn chưa đồng đều giữa các NHTM nhưng báo cáo tài chính trong quý 3 các NHTM vừa công bố cho thấy, tín dụng khởi sắc cũng góp phần giúp cho các NHTM đạt lợi nhuận cao. Thống kê từ 28 NHTM niêm yết trên sàn chứng khoán ghi nhận hơn 218.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong 9 tháng, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2023.

T5a.jpg
Giao dịch tại Ngân hàng BIDV chi nhánh quận 1, TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Cụ thể, 9 tháng đầu năm 2024, lợi nhuận của Techcombank đạt 22.842 tỷ đồng, tăng 33,5% so với cùng kỳ năm 2023. Kết thúc quý 3-2024, lợi nhuận trước thuế của BVBank đạt 182 tỷ đồng, hoàn thành 90% kế hoạch năm nhờ vào tăng trưởng tín dụng…

Theo nhận định của Công ty Chứng khoán SSI, mặc dù nền kinh tế đang dần phục hồi, tín dụng tăng trưởng mạnh nhưng nhu cầu tín dụng chưa đồng đều, đặc biệt là lĩnh vực bán lẻ. “Nhìn chung, các ngân hàng đang chịu áp lực từ đầu vào (chi phí vốn) và áp lực đầu ra khi tìm khách hàng cho vay và đáp ứng mục tiêu tăng trưởng cuối năm vì cung ứng vốn để tăng trưởng GDP”, đại diện bộ phận nghiên cứu SSI đánh giá.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam, nhận xét, đến hết quý 3, tăng trưởng kinh tế cả nước được thúc đẩy bởi tăng trưởng các ngành công nghiệp hướng vào xuất khẩu và thu hút FDI.

Trong các tháng cuối năm, động lực để kéo tăng trưởng tín dụng vẫn đến từ khu vực công nghiệp, xuất nhập khẩu vì sức mua và tiêu dùng nội địa vẫn tăng nhưng ở mức thấp. Nhiều khả năng NHNN sẽ tiếp tục duy trì trạng thái nới lỏng chính sách tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng.

Vì thế, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% của toàn ngành ngân hàng trong cả năm nay sẽ vẫn là động lực để các NHTM mở rộng cho vay các gói tín dụng hỗ trợ khó khăn đối với các doanh nghiệp lớn và tăng khả năng tiếp cận cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam NGUYỄN THỊ HỒNG:

Tăng trưởng tín dụng sẽ về đích

Dù tăng trưởng tín dụng đến cuối tháng 10 mới tăng 10,08% so với cuối năm 2023 nhưng vẫn có nhiều khả năng đạt được định hướng đề ra vì tăng trưởng tín dụng thường tăng cao trong giai đoạn cuối năm, đặc biệt là 2 tháng cuối năm. Do đó, khả năng tăng trưởng tín dụng có thể đạt được khoảng 15%. Với việc nền kinh tế tiếp tục phục hồi tích cực trong quý 3, tăng trưởng tín dụng năm nay sẽ về đích.

Tin cùng chuyên mục