Sách mới

Soi bóng tiền nhân

Soi bóng tiền nhân

Việt sử giai thoại (*) gồm 439 giai thoại về các nhân vật lịch sử Việt Nam được nhà giáo, nhà sử học Nguyễn Khắc Thuần - cần mẫn, say mê ghi lại những bài học về đạo làm người, về nhân cách và nếp sống văn hóa của tổ tiên trong lịch sử nước nhà.

Soi bóng tiền nhân ảnh 1

Tác giả thổ lộ rằng ông viết sách trước là để cho mình, để nhủ lòng hãy nghiêm cẩn học điều hay, sau mới chân thành giới thiệu những hạt ngọc ấy đến với những người đồng cảm. Yêu sử Việt, ý thức rõ trách nhiệm của một nhà giáo, nhà sử học là truyền niềm đam mê lịch sử nước nhà đến đông đảo mọi người nên tác giả nguyện biến mình thành con kiến cần mẫn tha thẩn những chuyện hay trong kho tàng thư tịch cổ để đúc rút thành những trang viết súc tích mà sinh động.

Đến nay, Nguyễn Khắc Thuần đã có tới dư 60 đầu sách mang tên ông được độc giả đón nhận. Đặc biệt bộ Việt sử giai thoại gồm 8 tập quả là một thứ Cổ học tinh hoa đặc sắc của người Việt. Sách gồm những giai thoại (40 giai thoại từ thời Hùng Vương đến hết thế kỷ X, 51 giai thoại thời Lý, 71 giai thoại thời Trần, 36 giai thoại thời Hồ và thời thuộc Minh, 62 giai thoại thời Lê Sơ, 65 giai thoại thế kỷ XVI-XVII, 69 giai thoại thế kỷ XVIII, 45 giai thoại thế kỷ XIX) được trích lục từ các bộ chính sử của dân tộc như: Đại Việt sử lược, Đại Việt sử ký toàn thư, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Đại Nam thực lục, Đại Nam liệt truyện… Không chỉ ghi xuất xứ gọn gàng, chính xác các giai thoại, tác giả còn mềm hóa sử bằng những lời bàn sâu sắc và hóm hỉnh vừa để giải thích thêm những điều lẩn khuất, vừa để gợi ý cảm nhận và suy nghĩ cho người đọc.

Ở truyện “Lời khuyên của Trạng nguyên Nguyễn Bỉnh Khiêm”, kể giai thoại Trạng Trình nhìn hòn non bộ trước sân mà ngâm rằng: “Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân” (Hoành sơn một dải, dung thân muôn đời) để khuyên Nguyễn Hoàng lánh nạn chúa Trịnh Kiểm bằng cách xin vào trấn thủ Thuận Hóa, Nguyễn Khắc Thuần bàn rằng: “Phàm là đế vương, nếu không biết sợ nhân tâm ly tán, không quy tụ và trọng dụng được người tài, thì ngai vàng cũng chẳng khác gì đống lửa, ắt sẽ có ngày thiêu cháy kẻ ngồi trên đó. (…) Chừng nào bậc chân tài còn trả lời theo lối vòng vo thì chừng đó còn chưa thể nói rằng nhân tình thế thái đã hết đen bạc, kẻ cầm quyền bính nên lấy đó làm mối lo hàng đầu. (…) Mới hay, một lời khuyên, có thể đẩy người vào ngõ cụt và tội lỗi, một lời khuyên cũng có thể đẩy người đến chỗ mau chóng thỏa chí bình sinh…”. Lời bàn giai thoại “Vua Lê Thánh Tông xin lỗi quan Đô ngự sử là Trần Xác” thì còn thâm thúy hơn nhiều: “(…) Trong chỗ nóng vội, nhà vua đã không giữ được phép xử thường. Lẽ ấy cũng dễ hiểu. Song, vua nói rồi biết nghĩ lại, nghĩ rồi dũng cảm nhận lỗi và thành khẩn xin được nghe tiếp những lời thẳng thắn. Đáng kính lắm thay! Đô ngự sử Trần Xác đã hiểu phép nước, lại còn rất hiểu vua, nên cố sức làm hết chức trách phải làm. (…) Ôi, vua sáng tôi hiền gặp nhau, thời thịnh trị sao mà chẳng có được?”.

Cái đọng lại đến muôn đời thường vẫn là những gì độc đáo nhất, kết tinh giá trị đạo lý, triết lý và nhân bản của mỗi thời đó thôi. Giới thiệu kho giai thoại lịch sử nước Việt chính là giới thiệu những gì thiêng liêng, vĩnh tồn với cộng đồng người Việt, với văn hóa Việt. Việt sử giai thoại - một bộ sách biên soạn tỉ mỉ, công phu -đã làm được điều ấy.

(*) NXB Giáo Dục, quý 1 - 2008 

Thảo Lư

Tin cùng chuyên mục