Nỗ lực lớn của tỉnh nghèo
Hiện nay, toàn tỉnh Sóc Trăng có 50.184 người có công với cách mạng, trong đó có hơn 15.000 liệt sĩ, 6.500 thương binh, 2.295 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 49 Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, 8.968 người có công... Ông Trần Văn Chuyện, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, cho biết, từ khi tái lập tỉnh đến nay, Sóc Trăng đã vận động xây dựng quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” được trên 140 tỷ đồng, vốn trung ương hỗ trợ trên 255 tỷ đồng, cùng với nhiều nguồn lực khác đã xây dựng mới và sửa chữa được 17.221 căn nhà tình nghĩa, với kinh phí trên 652 tỷ đồng.
Qua đó, góp phần giúp tỉnh hoàn thành công tác hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng trên địa bàn - đây là nỗ lực rất lớn trong điều kiện tỉnh còn nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, để thực hiện quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước đối với người có công với cách mạng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Sóc Trăng thường xuyên chăm lo đời sống cho hơn 11.600 người có công đang hưởng trợ cấp hàng tháng.
Hàng năm, tỉnh tổ chức đưa hàng ngàn người có công đi nghỉ dưỡng kết hợp tham quan các danh lam thắng cảnh tại Vũng Tàu, Đà Lạt, Nha Trang, Phú Quốc... Đến nay, đã có 9.775 lượt người có công được điều dưỡng tập trung và 4.325 người điều dưỡng tại gia đình với tổng kinh phí trên 80 tỷ đồng... Từ những nỗ lực trong thực hiện công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, hiện toàn tỉnh Sóc Trăng có 100% xã, phường, thị trấn được công nhận làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ và người có công.
Huy động nhiều nguồn lực chung tay
Bên cạnh công tác tuyên truyền và thực hiện tốt quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đối với người có công, thời gian qua Sóc Trăng còn tập trung đẩy mạnh xã hội hóa, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của toàn thể xã hội để góp phần thực hiện tốt hơn nữa công tác chăm lo cho người có công với cách mạng. Tính riêng năm 2019, tỉnh Sóc Trăng đã vận động các mạnh thường quân, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đóng góp ủng hộ vào quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” với số tiền gần 15 tỷ đồng để xây dựng và sửa chữa 442 căn nhà tình nghĩa.
Ngoài ra, phong trào đền ơn đáp nghĩa, chăm lo, phụng dưỡng các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, bệnh binh... của các cấp, các ngành, đoàn thể và người dân trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng được phát triển sâu rộng ở nhiều địa phương. Từ đó, phát huy mọi nguồn lực trong xã hội, cộng đồng, cùng Nhà nước chăm sóc tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần của người có công với cách mạng.
Ông Trần Văn Chuyện, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, chia sẻ, bên cạnh sự quan tâm hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, các thương bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và người có công với cách mạng cũng tự nỗ lực trong học tập, công tác, vượt qua muôn vàn khó khăn, cần cù sáng tạo trong lao động, sản xuất, cải thiện cuộc sống để từng bước ổn định về vật chất, vươn lên có đời sống khá giả. Đặc biệt, thời gian qua đã xuất hiện những tấm gương sáng về lao động rất đáng khâm phục, thể hiện họ không chỉ là anh hùng trong chiến đấu mà còn là các chiến sĩ tiên phong trong cuộc chiến chống đói nghèo, lạc hậu, góp phần xây dựng và phát triển đất nước.