Tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống
Đây là sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch lớn, với sự phối hợp tổ chức của Bộ VH-TT-DL và UBND tỉnh Sóc Trăng. Tham dự các chuỗi sự kiện của ngày hội có sự góp mặt của hàng ngàn nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên, vận động viên đến từ 12 tỉnh, thành, trong đó có TPHCM.
Bà Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL cho biết, Ngày hội Văn hóa, thể thao và du lịch đồng bào Khmer Nam bộ là dịp tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào Khmer trong nền văn hóa thống nhất, đa dạng của cộng đồng 54 dân tộc. Đồng thời, qua đó góp phần giữ, gìn, phát huy và tôn vinh bản sắc văn hóa các dân tộc; nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm trong việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững của đất nước.
Trong suốt 7 ngày của lễ hội, sẽ diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, thể thao như thi đấu các môn thể thao truyền thống; liên hoan nghệ thuật quần chúng; trình diễn trang phục dân tộc; trình diễn, giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống dân tộc; diễn tấu nhạc ngũ âm; trưng bày, chế biến và giới thiệu ẩm thực; quảng bá xúc tiến du lịch; xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP… Dự kiến, các sự kiện sẽ thu hút hàng trăm ngàn lượt người dân, du khách đến tham quan, vui chơi, giải trí.
Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Trịnh Thị Thủy cho biết, ngày hội nhận được sự quan tâm, kỳ vọng của đông đảo người dân, đặc biệt là người dân vùng ĐBSCL. Do đó, công tác chuẩn bị được triển khai thực hiện một cách chu đáo, tỉ mỉ và có sự chọn lọc đặc trưng văn hóa tiêu biểu của đồng bào Khmer. Trong đó, đề cao vai trò chủ thể văn hóa, đảm bảo yếu tố bảo tồn, tôn vinh và phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với các yếu tố thời đại; quảng bá tiềm năng, lợi thế, thu hút phát triển triển du lịch của các tỉnh, thành phố.
Trong khuôn khổ ngày hội, còn diễn ra lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe ngo Sóc Trăng lần thứ V, khu vực ĐBSCL. Giải đua ghe ngo sẽ có sự tham gia của 56 đội ghe, với tổng số hơn 8.000 vận động viên tham gia tranh tài ở 2 cự ly, gồm: 1.000m (đối với 11 đội nữ) và 1.200m (đối với 45 đội nam). Trong đó, chủ nhà Sóc Trăng có 40 đội, còn lại đến từ các đội ghe tỉnh, thành bạn như: Kiên Giang, Hậu Giang, Trà Vinh, Bạc Liêu và Cà Mau…
Chào đón du khách
Những ngày qua, tại nhiều phum, sóc trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, không khí trở nên rộn ràng, sôi nổi hẳn, bởi các đội ghe ngo đang vào cao điểm tập luyện chuẩn bị cho giải đấu quy mô lớn khu vực ĐBSCL. Từ khoảng 1 tháng nay, tại nhiều điểm chùa, hàng ngàn vận động viên đua ghe ngo đã được tập hợp để tập dợt, tiếng còi, âm thanh khua mái chèo hòa lẫn vào tiếng nói cười rôm rả khiến các vùng quê sôi động hẳn lên.
Anh Giang Văn Nhí, vận động viên đội ghe ngo Pong Tứk Chắs (huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng), đội ghe có nhiều thành tích cao trong các giải đấu, chia sẻ: “Năm 2021, do ảnh hưởng dịch Covid-19, không tổ chức được giải đua ghe ngo, năm nay giải được tổ chức lại anh em vui mừng lắm. Cứ đúng 15 giờ, mọi người đều tranh thủ việc đồng áng, tập hợp lại tập luyện đông đủ. Một số anh em đi làm ăn xa vẫn tranh thủ về tham gia giải đấu, phần vì truyền thống của dân tộc, phần vì đam mê với bộ môn này. Với quyết tâm cao, toàn đội hy vọng sẽ giành được thứ hạng cao, mang vinh dự về cho địa phương”.
Đại diện Sở VH-TT-DL tỉnh Sóc Trăng cho biết, lễ hội đua ghe ngo truyền thống của đồng bào Khmer tại tỉnh đã không ngừng phát triển qua thời gian, trở thành nét đặc trưng văn hóa, thu hút hàng ngàn người tham gia. Do đó, tại lễ hội năm nay tỉnh Sóc Trăng sẽ vinh dự được tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao bằng công nhận kỷ lục về số lượng đội ghe ngo và số lượng vận động viên đua ghe ngo nhiều nhất.
Bà Huỳnh Thị Diễm Ngọc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, cho biết, đến thời điểm hiện tại, công tác chuẩn bị tổ chức cho Ngày hội Văn hóa, thể thao và du lịch đồng bào Khmer Nam bộ lần thứ VIII và Lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe ngo Sóc Trăng, khu vực ĐBSCL lần thứ V đã cơ bản hoàn tất. Từng khâu tổ chức đều được tổ giúp việc chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo, công tác an ninh trật tự, an toàn xã hội luôn được đảm bảo trong suốt những ngày diễn ra lễ hội, nhằm giúp người dân, du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, vui chơi, giải trí.