Các đại biểu tham dự hội thảo khoa học |
Theo lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sóc Trăng, 30 năm qua (1993-2023) sở đã thực hiện 11 đề tài, dự án thuộc các chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia, 228 đề tài, dự án cấp tỉnh, trong đó có 67 đề tài thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, 161 đề tài lĩnh vực khoa học tự nhiên. Kết quả nghiên cứu, ứng dụng đã góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn như, xây dựng được nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm chủ lực, đặc sản của địa phương.
Tiêu biểu là công trình “Nghiên Nghiên cứu chọn tạo và phát triển giống lúa thơm Sóc Trăng: ST24 và ST25 giai đoạn 2008-2016” đã được Chủ tịch nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ. Đặc biệt, sản phẩm Gạo ST25 được vinh danh là Gạo ngon nhất thế giới.
Hiện toàn tỉnh có 1.281 đơn đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, 9 đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có sự quan tâm đăng ký bảo hộ nhãn hiệu ở nước ngoài như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước khu vực châu Âu…
UBND tỉnh Sóc Trăng ký kết hợp tác với Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam |
Hội thảo thu hút nhiều bài tham luận, ý kiến của các nhà khoa học, viện, trường xoay quanh thực trạng, giải pháp phát triển khoa học và công nghệ, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, chế biến và sản xuất kinh doanh...
Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt đánh giá cao những kết quả đạt được của ngành khoa học công nghệ tỉnh Sóc Trăng qua 30 năm. Đồng thời cho rằng, tỉnh Sóc Trăng cần có những đột phá về khoa học và công nghệ để tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, ưu tiên vào các thế mạnh sẵn có về các lĩnh vực nuôi trồng và xuất khẩu thủy sản, trung tâm công nghiệp chế biến nông - thủy sản, khoa học về văn hóa, lịch sử truyền thống vùng đất, con người Sóc Trăng…