Cuộc sống đảo lộn
Tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước, bắt đầu từ khoảng 9 giờ sáng, không khí đã bắt đầu oi bức, nhiệt độ tăng dần từ 38 - 400C vào buổi trưa và mãi đến khoảng 17 giờ mới hạ nhiệt. Để thích nghi với điều kiện thời tiết nắng nóng, nhiều người chọn cách hạn chế ra đường. Nếu buộc phải ra đường giữa cái nóng như thiêu đốt, hầu hết họ đều trùm kín người với khẩu trang, áo quần chống nắng, găng tay... Các quán cà phê máy lạnh hầu như chật kín khách. Lượng khách đến các trung tâm thương mại, siêu thị cũng tăng đột biến vào các khung giờ cao điểm nắng nóng, vì lý do... trốn nắng.
Vẫn còn nhiều đợt nắng nóng Theo Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, do ảnh hưởng của vùng áp thấp nóng phía Tây với đới gió Tây Nam gây hiệu ứng phơn nên ngày 25-4, nắng nóng vẫn còn tiếp tục duy trì ở Bắc bộ, khu vực Trung bộ và Nam bộ với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35 - 38°C, riêng khu Tây Bắc Bắc bộ, vùng núi Bắc và Trung Trung bộ có nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất lên tới 38 - 40°C, có nơi trên 40°C. Như vậy, trong ngày 25-4, nền nhiệt độ và nắng nóng còn gay gắt hơn, tăng hơn ngày 24-4 khoảng 1 - 2°C. Vẫn theo Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, với đợt nắng nóng hiện nay, tình hình nắng nóng diện rộng ở các tỉnh Bắc bộ sẽ giảm dần từ ngày 26-4. Tại các tỉnh Trung bộ và Nam bộ, nắng nóng có khả năng kéo dài đến ngày 27 hoặc 28-4. Sau đó, nắng nóng bớt gay gắt hơn. Theo số liệu quan trắc dự báo 10 ngày cuối của tháng 4, nhiệt độ tại Bắc bộ, Bắc Trung bộ và Trung Trung bộ phổ biến ở mức cao hơn mọi năm tới 2 - 3°C, các khu vực khác phổ biến ở mức cao hơn 0,5 - 1,5°C. Trao đổi với phóng viên Báo SGGP chiều 24-4, ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo khí hậu (hạn dài), Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, cho biết, tình hình nắng nóng hiện nay chỉ là đầu mùa. Tại Bắc bộ, các đợt nắng nóng sẽ còn diễn ra trong các tháng 5, 6, 7. Tại Trung bộ, nắng nóng gay gắt thường diễn ra trong các tháng 5, 6, 7, 8. Còn tại Nam bộ, theo chu kỳ thì khoảng cuối tháng 5 hàng năm sẽ là mùa mưa, gió Tây Nam mạnh dần lên, đưa mưa tới làm trời dịu mát dần. Tuy nhiên, năm nay mùa mưa tại Nam bộ được dự báo đến muộn hơn. Vì vậy, vào tháng 5 mặc dù bắt đầu xuất hiện các cơn mưa tại Nam bộ nhưng có khả năng vẫn xuất hiện các đợt nắng nóng. |
Đặc biệt, thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài những ngày qua cũng đang làm tăng nguy cơ cháy rừng ở nhiều địa bàn. Tại tỉnh Hà Tĩnh hiện có trên 360.000ha rừng và đất lâm nghiệp, trong đó diện tích rừng dễ cháy là gần 120.000ha…
Tại Kiên Giang, vào lúc 15 giờ 30 ngày 23-4, khu vực rừng phòng hộ thuộc Ban quản lý rừng Hòn Đất - Kiên Hà xuất hiện đám cháy lớn. Mặc dù các cán bộ, chiến sĩ đã nỗ lực khống chế lửa, nhưng do điều kiện đêm tối, khu vực cháy nằm cách xa trung tâm nên việc di chuyển và đưa các trang thiết bị chữa cháy chuyên dụng tiếp cận hiện trường đám cháy còn chậm.
Đến ngày 24-4, đám cháy cơ bản đã được khống chế. Tuy nhiên, hiện nay tình hình thời tiết hanh khô nên nguy cơ cháy bùng phát trở lại rất cao. Hiện chưa thống kê được diện tích rừng bị cháy, nhưng thiệt hại ước khoảng vài hécta. Trước đó, ngày 22-4, trên địa bàn xã Phú Mỹ, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang cũng xảy ra vụ cháy đồng cỏ năng, cỏ bàng xen lẫn tràm, diện tích ước cháy hơn 10ha.
Ngày 24-4, Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, nắng nóng liên tục trên cả nước, kéo dài đã đẩy nhiều cánh rừng vào nguy cơ cháy cao. Trên bản đồ cảnh báo cháy rừng, vùng cảnh báo cấp 5 (cấp cực kỳ nguy hiểm) là các tỉnh: Sơn La, Điện Biên, Quảng Bình, Bình Định, Phú Yên, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Tháp, An Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng.
Ông Lê Đình Thơm, Phó Cục trưởng Cục Kiểm lâm (Tổng cục Lâm nghiệp) cho biết, trong 3 tháng đầu năm, cả nước chỉ ghi nhận 27 vụ cháy rừng (giảm 19 vụ so với cùng kỳ năm trước). Nhưng riêng trong đợt nắng nóng gần 1 tuần qua (từ ngày 18 đến ngày 24-4) đã có 45 vụ cháy rừng xảy ra, làm số vụ cháy rừng trong 4 tháng tăng vọt so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện cơ quan chức năng chưa thống kê đủ thiệt hại do cháy rừng vì nắng nóng.
Số người nhập viện gia tăng
Ghi nhận của phóng viên Báo SGGP, hơn 1 giờ chiều 24-4, tại Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi đồng 1, TPHCM vẫn còn đông nghẹt trẻ nhỏ, các dãy ghế ngồi ở sảnh và trước cửa các phòng khám không còn một chỗ trống, thậm chí hành lang cũng la liệt bệnh nhân chờ khám bệnh. Theo bác sĩ Phạm Văn Hoàng, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi đồng 1, TPHCM trong tháng 4, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận 5.000 - 6.000 bệnh nhi; trong đó khoảng 20% - 30% bệnh nhi mắc các bệnh lý về đường hô hấp, 10% - 20% mắc các bệnh về tiêu hóa, khoảng 5% mắc bệnh tay chân miệng và rải rác một số ca bệnh thủy đậu, viêm não.
Còn tại Bệnh viện Thống Nhất, những ngày qua, số lượng bệnh nhân trên 60 tuổi đến khám huyết áp và rối loạn giấc ngủ tăng 15%. Bên cạnh đó, các bệnh lý khác về tiêu hóa, hô hấp, da liễu cũng tăng 7% - 10% so với tháng 3. Bác sĩ Hoàng Mạnh, Phó trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Thống Nhất TPHCM, cho biết, thời tiết nắng nóng kéo dài làm gia tăng các bệnh đột quỵ do nhiệt, tăng huyết áp, tim mạch, sốc nhiệt, các bệnh lý về cơ xương khớp ở người cao tuổi. Đặc biệt, những người cao tuổi có các bệnh nền như tiểu đường, huyết áp, tim mạch có sức đề kháng yếu thì nguy cơ mắc bệnh càng cao, nhất là nguy cơ đột quỵ não có xu hướng tăng.
Ghi nhận tại Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, cho thấy số bệnh nhân tới khám và điều trị các bệnh do thời tiết nắng nóng gây ra như cảm cúm, ho sốt, viêm đường hô hấp, tai biến, đột quỵ tăng khá cao. Nắng nóng gay gắt đã khiến cho nhiều người bị sốc nhiệt, đột quỵ phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng rất nguy kịch. Số bệnh nhân đột quỵ gia tăng cao là do nắng nóng làm cơ thể mất nước, làm tăng độ kết dính trong máu, dẫn đến khả năng xuất hiện các cục máu đông làm tăng nguy cơ gây đột quỵ.
“Dưới tác động của nắng nóng, sức đề kháng của trẻ em giảm, dễ bị thiếu nước dẫn đến rối loạn điện giải do bài tiết mồ hôi nhiều hơn. Trẻ thường bị mắc các nhóm bệnh về hô hấp như viêm phổi, viêm phế quản, mắc bệnh lý về tiêu hóa gia tăng như tiêu đàm máu, tiêu chảy cấp, viêm ruột… Bên cạnh đó, các bệnh lý về da như nhiễm trùng da, viêm da, rôm sảy cũng tăng nhẹ. Trong những ngày nắng nóng, người cao tuổi và trẻ em cần được ăn uống, bổ sung đầy đủ vitamin, chất xơ từ trái cây, rau củ, ăn uống đủ chất để tăng cường sức khỏe, hạn chế nguy cơ mắc bệnh. Người lớn tuổi cần hạn chế ra ngoài những giờ cao điểm nắng nóng, không lạm dụng máy lạnh, quạt phun sương, tắm nhiều lần trong ngày. Đặc biệt, những người có tiền sử mắc bệnh tim mạch, huyết áp cần tuân thủ uống thuốc đều đặn, theo dõi huyết áp thường xuyên”, các bác sĩ khuyến cáo |
Thời tiết nắng nóng không chỉ khiến cho người dân mệt mỏi đổ bệnh mà cũng làm gia tăng nhiều dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Thống kê mới đây của Sở Y tế Hà Nội cho thấy, số người mắc sởi trên địa bàn Hà Nội đã tăng vọt từ mức 70 ca/tuần lên hơn 120 ca/tuần. Tính từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 928 ca mắc sởi (gấp hơn 15 lần so với cùng kỳ năm 2018). Một số dịch bệnh khác như sốt xuất huyết, tay chân miệng, ho gà… cũng ghi nhận số người mắc tăng so với trước.
Tại các địa phương miền Tây Nam bộ, nắng nóng gay gắt kéo dài đã khiến số lượng trẻ mắc bệnh nhiễm khuẩn đường tiêu hóa và hô hấp tăng đột biến. Th.S-BS Ông Huy Thanh, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ, cho biết, chỉ tính trong quý 1-2019, bệnh viện đã có khoảng 100.000 lượt trẻ đến khám và điều trị (tương đương trên 1.000 ca/ngày), chủ yếu các bệnh liên quan đến hô hấp và tiêu hóa, chiếm 95%.
Nắng nóng như đổ lửa khiến trẻ dưới 5 tuổi nhập viện tăng mạnh tại các bệnh viện ở miền Trung. Phần nhiều trẻ dưới 5 tuổi mắc chứng sốt siêu vi, tiêu chảy, hô hấp... lại tập trung ở khu vực nông thôn do phụ huynh chăm sóc con cái chưa chu đáo. Khoa Khám bệnh Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Trung ương Huế hiện có khoảng 300 lượt bệnh nhân/ngày và có dấu hiệu tăng nhanh trong những ngày tới, trong đó hơn 50% là trẻ dưới 5 tuổi đến từ các tỉnh, thành khu vực miền Trung.
Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa TP Hà Tĩnh có 85 giường, nhưng lượng bệnh nhân những ngày này luôn duy trì ở mức trên 100 người. Tại Khoa Tim mạch, số lượng bệnh nhân nhập viện cũng tăng cao từ 20% - 30%; các bệnh chủ yếu liên quan đến suy kiệt sức khỏe, cao huyết áp, suy nhược cơ thể do mất nước…
Tại Bệnh viện Nhi Quảng Nam, mỗi ngày có hơn 250 - 300 lượt trẻ em đến khám bệnh và hơn 30 trẻ phải vào viện điều trị nội trú. Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Phương (Khoa Y học nhiệt đới) cho biết, do lượng bệnh nhân tăng nhanh nên bệnh viện đã cho kê thêm giường ngoài hành lang mới có thể đủ chỗ.