Sốc điện hơn 10 lần cứu bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp

Suốt 30 phút, các ê-kíp của Bệnh viện Thành phố Thủ Đức vừa sốc điện khử rung tim hơn 10 lần, vừa đặt stent để cứu người đàn ông bị nhồi máu cơ tim cấp. 

Bệnh nhân ngưng tim vì nhồi máu cơ tim được can thiệp mạch vành cấp cứu
Bệnh nhân ngưng tim vì nhồi máu cơ tim được can thiệp mạch vành cấp cứu

Ngày 21-8, Bệnh viện Thành phố Thủ Đức cho biết, vừa cứu sống một bệnh nhân bị ngưng tim nhiều lần vì nhồi máu cơ tim cấp.

Theo đó, ngày 11-8, ông N.C.L. (58 tuổi) đột ngột ngất tại nhà, đau ngực trái và khó thở dữ dội, được đưa đến Bệnh viện Thành phố Thủ Đức cấp cứu.

Tại Khoa Cấp cứu, bệnh nhân ngưng tim liên tục, các bác sĩ tiến hành ép tim và sốc điện phá rung tim. Đây là tình trạng hết sức nguy kịch do nhồi máu cơ tim cấp gây ra, khả năng sống rất thấp. Sau khi hội chẩn khẩn cấp, bệnh nhân được chuyển vào phòng thông tim can thiệp mạch vành trong khi vẫn hồi sức tim phổi.

Tại đây, bệnh nhân vẫn ngưng tim nhiều lần. Một ê-kíp vừa ép tim sốc điện, ê-kíp khác tiến hành chọc mạch máu và chụp mạch vành. Kết quả xác định, bệnh nhân bị tắc đoạn gần động mạch vành phải, cần xử lý huyết khối, đặt máy tạo nhịp tim và 1 stent để tái thông dòng chảy.

BS-CK2 Lê Duy Lạc, Trưởng Khoa Hồi sức tim mạch, Bệnh viện TP Thủ Đức cho biết, 2 ê-kíp với 10 y, bác sĩ đã nỗ lực thực hiện nhịp nhàng các công đoạn trong 30 phút để cứu bệnh nhân. Sau khi tái thông dòng chảy mạch vành, bệnh nhân được chuyển qua Khoa Hồi sức tim mạch điều trị trong tình trạng hôn mê, thở máy, suy chức năng tạng. Sau 2 ngày hồi sức, bệnh nhân dần tỉnh táo và tự thở được, chức năng gan thận dần hồi phục và xuất viện sau 1 tuần.

Theo BS-CK1 Nguyễn Tiến Nhân, thành viên ê-kíp can thiệp, điều quan trọng nhất là bệnh nhân đến bệnh viện kịp thời, y bác sĩ nhận diện tình hình và cấp cứu hồi sức tim phổi hiệu quả nên không bị di chứng tổn thương não. Nhồi máu cơ tim là một tình trạng cấp cứu cần tái lập dòng máu chảy trong đoạn động mạch vành bị tắc càng sớm càng tốt. Có nhiều phương pháp khôi phục dòng chảy động mạch vành như truyền thuốc tiêu sợi huyết, can thiệp mạch vành đặt stent (PCI) và mổ bắc cầu động mạch vành (CABG).

Hiệu quả của các biện pháp này phụ thuộc rất nhiều vào thời gian điều trị từ lúc khởi phát triệu chứng. Can thiệp động mạch vành đặt stent có lợi rõ rệt khi được tiến hành càng sớm càng tốt, đặc biệt trong vòng 24 giờ đầu tiên kể từ lúc khởi phát triệu chứng.

Tin cùng chuyên mục