Soạn giả Hoàng Song Việt: Dễ dãi với chính mình là giết chết sân khấu

Soạn giả Hoàng Song Việt là một trong những tác giả và chuyển thể kịch bản sân khấu “đắt giá” từ Nam ra Bắc. Ngoài ra, anh còn là một “ông bầu” nhiệt huyết, luôn chú trọng nâng đỡ, chắp cánh tài năng cho những nghệ sĩ trẻ, cùng nỗ lực giữ gìn và lan tỏa các giá trị quý giá của nghệ thuật cải lương trong đời sống hiện đại. PV Báo SGGP đã có cuộc trò chuyện cùng soạn giả Hoàng Song Việt về những vấn đề liên quan.

Soạn giả Hoàng Song Việt
Soạn giả Hoàng Song Việt

PHÓNG VIÊN: Thời gian qua, các đoàn hát ra mắt hàng loạt vở mới, kéo khán giả đến xem chật rạp, là người trong nghề, anh có nhận định gì về sự sôi động của sân khấu hiện nay?

Soạn giả HOÀNG SONG VIỆT: Tôi không quá vui mừng khi thấy sân khấu sáng đèn liên tục, vì nếu tự hài lòng với thành quả hôm nay, rất dễ khiến chúng ta bị lặp lại quá trình phát triển sân khấu như mấy chục năm qua, tức là hết thăng rồi trầm. Điều cần chú ý trong giai đoạn này là người làm nghề quan tâm đến chất lượng vở diễn. Không nên vì thấy nhu cầu khán giả tăng, người xem đông thì chểnh mảng về chất lượng. Nếu như thế thì trong thời gian không xa, khán giả tiếp tục thấy “chỉ có vậy thôi hả?”, rồi người ta sẽ rất nhanh thay đổi nhu cầu giải trí, sân khấu sẽ lại lâm vào cảnh “dở sống dở chết”.

Tôi có mong muốn là người quản lý các đơn vị sân khấu nghệ thuật xã hội hóa và cơ quan quản lý văn hóa tại TPHCM nên nghĩ đến vấn đề phải chăm chút làm sao để tác phẩm sân khấu ngày càng thu hút khán giả, tức là khán giả xem vở này rồi lại háo hức đợi được xem vở kế tiếp, xem có gì hấp dẫn, mới lạ, thú vị hơn không. Việc làm này giúp tìm lại lòng tin yêu của khán giả dành cho sân khấu, giữ chân họ đồng hành cùng sân khấu trên con đường dài, để tương lai sân khấu vẫn sáng đèn liên tục.

Có người cho rằng khán giả hiện tại đang có sự phân khúc mạnh, anh có lo lắng đối với công tác đầu tư dàn dựng tác phẩm mới của sân khấu mình?

Xưa, khi các đoàn hát ra vở mới, khán giả sẽ chọn đi coi dựa vào vở đó có ai diễn, đào - kép chính là ai, để chọn sân khấu xem “thần tượng”. Nay, khi có nhiều sự chọn lựa hơn, khán giả sẽ chọn hình thức trình diễn nghệ thuật để thưởng thức. Thị trường sân khấu cải lương bây giờ có nhiều phân khúc với nhiều thể loại: tuồng cổ, lịch sử, tâm lý xã hội, Hồ Quảng…, nên khán giả cũng phân khúc theo thị trường. Thực tế cho thấy, lực lượng khán giả có nhu cầu thưởng thức nghệ thuật mang tính giải trí cao rất đông, bởi sân khấu sẽ là nơi giúp họ giải tỏa những căng thẳng và áp lực cuộc sống.

Thế nên, khi dựng tuồng lịch sử hay tâm lý xã hội, tôi nắm chắc doanh thu sẽ không bằng các đơn vị bạn. Dù tôi đầu tư tới nơi tới chốn, nhưng chưa bao giờ dám nghĩ đạt doanh thu cao. Tôi nghĩ, mình đang làm việc mà khán giả nếu chỉ đơn thuần muốn giải trí sẽ chọn cái khác. Nhưng nếu như ai cũng chạy theo điều đó, để 1-2 tháng có thể ra mắt một vở, thì dần dần, những vở diễn có chất lượng, có chiều sâu sẽ mai một, không ai làm nữa. Đơn vị nghệ thuật công lập có thể làm, nhưng cũng không đủ để duy trì, cân bằng mặt bằng chung của sân khấu.

Khi đẩy mạnh hoạt động sân khấu của mình, anh làm thế nào để duy trì, giữ vững tiêu chí, chất lượng vở diễn, đồng thời hỗ trợ và nâng đỡ cho các nghệ sĩ trẻ như thời anh quản lý sân khấu Thắp sáng niềm tin?

Ngày xưa, tôi đã có một sân khấu Thắp sáng niềm tin dành cho diễn viên trẻ vì tôi nghĩ lực lượng kế thừa rất quan trọng, vậy nên, các vở diễn của tôi đều giao hết những vai quan trọng cho nghệ sĩ trẻ. Từ sân khấu này đến sân khấu Đại Việt hôm nay đều có chung tiêu chí như vậy. Khi làm sân khấu, tôi và NSND Triệu Trung Kiên đều chung quan điểm là ngoài việc xây dựng các tác phẩm chất lượng cao, nội dung tốt, đậm chất nhân sinh, nhân văn, mang tính giáo dục, thì bên cạnh đó, chúng tôi còn có tiêu chí quan trọng khác là “tạo ra những dấu ấn mới cho nghệ sĩ trẻ”. Chúng tôi còn được sự ủng hộ của đạo diễn Hoa Hạ, để cùng chị rèn dũa, phát huy thực lực các nghệ sĩ trẻ. Ví như trong vở Nàng Xê Đa, đạo diễn Hoa Hạ đã tạo nên dấu ấn rất riêng cho các nghệ sĩ trẻ Phượng Loan, Lê Hồng Thắm, Thúy Vy và Võ Minh Lâm…

Là một soạn giả kỳ cựu của sân khấu cải lương, anh có trăn trở gì về thực trạng đội ngũ tác giả hiện nay?

Phải nói thẳng là lực lượng làm nghề viết, sáng tác kịch bản sân khấu hiện rất khó khăn. Bản thân tôi là tác giả, việc ấp ủ ý tưởng, tìm đề tài, nghiên cứu sử liệu, tài liệu, bắt tay viết tác phẩm cho ra trò, đạt chuẩn của mình, thì ít nhất từ 6 tháng đến 1 năm mới được một vở. Nhưng nếu chỉ chuyên viết những vở nghệ thuật thì không thể nào sống nổi. Đã có nhiều tác giả viết kịch bản sân khấu bỏ nghề hay chuyển qua viết sách, phim để dễ sống hơn. Đó cũng là một trong những lý do khiến người ta chọn diễn tuồng Tàu nhiều, vì kịch bản thường đã có khung sẵn (từ truyện, phim), người dựng chỉ cần bố cục lại trong vòng 10 ngày đến 1 tháng là có thể ra mắt một vở hoàn chỉnh.

Nhưng kể cả như thế thì thu nhập cũng không đủ sống, vì các đơn vị xã hội hóa trả tiền tác giả theo từng suất sáng đèn. Tác giả tên tuổi thì tiền kịch bản cũng chỉ dao động 5-8 triệu đồng/suất diễn. Ngày xưa, diễn cả trăm suất thì còn an tâm về đời sống, bây giờ, một vở sáng đèn 2 suất liên tục là hết. Như vậy, 2 tháng chỉ thu về 10-16 triệu đồng, làm sao sống? Người sáng tạo nghệ thuật, chuyên viết kịch bản sân khấu nếu không thật sự say mê nghề nghiệp thì họ cũng không thể làm được. Có lẽ cũng vì thế mà hiện đang có một thực trạng trong đội ngũ sáng tác là dễ dãi với chính mình khi cho ra đời những tác phẩm thiếu sức sáng tạo. Đối với tôi thì đề tài nào viết cũng được, nhưng cần phải đầu tư tâm sức để tác phẩm ra đời có giá trị nhất định.

Tôi cũng mong muốn, mọi người có cái nhìn cảm thông hơn về nghề sáng tác kịch bản sân khấu để có thể động viên, dìu dắt, thông cảm, cùng góp sức làm cho mặt bằng tổ chức biểu diễn nghệ thuật sân khấu cải lương cân bằng trở lại.

Tin cùng chuyên mục