
Theo đó, yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh khẩn trương kiểm tra, đối chiếu danh mục thuốc tại đơn vị (kể cả nhà thuốc trong khuôn viên cơ sở khám chữa bệnh) với các thuốc giả đã được cơ quan chức năng phát hiện; đảm bảo không kinh doanh, sử dụng các sản phẩm giả theo thông báo của Cục Quản lý Dược.
Rà soát lại quy trình mua thuốc, cung ứng thuốc và tình hình cung ứng thuốc trong thời gian qua; đảm bảo thuốc được cung ứng là thuốc đã được cấp giấy phép lưu hành và cung ứng bởi các cơ sở kinh doanh dược hợp pháp, có hóa đơn, chứng từ đầy đủ.
Trường hợp phát hiện thuốc có dấu hiệu nghi ngờ bất thường, thuốc chưa được cấp phép lưu hành, lập tức niêm phong, không tiếp tục sử dụng thuốc và báo cáo cơ quan quản lý y tế, cơ quan chức năng để kiểm tra, xác minh và xử lý theo quy định của pháp luật. Rà soát việc kê đơn thuốc và chấn chỉnh, xử lý các trường hợp kê đơn thuốc có các sản phẩm không phải là thuốc (nếu có).
Bên cạnh đó, tăng cường hoạt động dược lâm sàng trong tư vấn, giám sát kê đơn, giám sát phản ứng có hại của thuốc, quản lý tương tác thuốc theo hướng dẫn của Bộ Y tế; tăng cường quản lý hoạt động thông tin thuốc, quảng cáo thuốc tại đơn vị; chỉ cho phép giới thiệu thuốc và phát hành những tài liệu thông tin thuốc đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép lưu hành hoặc xác nhận.
Sở Y tế TPHCM yêu cầu các cơ sở kinh doanh dược khẩn trương kiểm tra, đối chiếu danh mục thuốc tại cơ sở với các thuốc giả đã được cơ quan chức năng phát hiện; đảm bảo không kinh doanh các sản phẩm giả theo thông báo của Cục Quản lý Dược. Chỉ được kinh doanh các loại thuốc được phép lưu hành, có hóa đơn, chứng từ, nguồn gốc xuất xứ đúng quy định; liên thông đầy đủ dữ liệu mua bán thuốc lên Hệ thống cơ sở dữ liệu Dược Quốc gia.
Đồng thời yêu cầu cơ sở bán lẻ thuốc phải tuân thủ quy định về bán thuốc kê đơn: khi bán phải có đơn thuốc và lưu đơn thuốc. Phổ biến cho người dân đến mua thuốc về tác hại của việc mua thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ và sử dụng thuốc kê đơn mà không có đơn thuốc.
Giao phòng y tế quận huyện, TP Thủ Đức tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh, quảng cáo thuốc trên địa bàn; kịp thời phát hiện các sai phạm và phối hợp với các cơ quan quản lý về thông tin truyền thông tại địa phương xử lý nghiêm các vi phạm (nếu có).
Trước đó, ngày 21-4, Sở Y tế TPHCM cũng đã có văn bản khẩn yêu cầu các đơn vị tăng cường công tác phòng chống thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý việc sản xuất, buôn bán, sử dụng thuốc giả; đồng thời đảm bảo hiệu quả điều trị và an toàn cho sức khỏe người dân.