Sở Y tế TPHCM giải thích vì sao nhiều trường hợp F0 chậm được cách ly, điều trị?

Bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, các trường hợp test nhanh có triệu chứng thì phải chuyển ngay đi bệnh viện. Còn nếu chưa có triệu chứng thì tạm thời cách ly. Trước đây, khi ca mắc Covid-19 chưa nhiều, nên dù có hay không có triệu chứng đều được chuyển đi bệnh viện. Nay số ca mắc Covid-19 nhiều lên, theo hướng dẫn của Bộ Y tế, phân cấp không có triệu chứng, triệu chứng nhẹ, có bệnh nền, cần hồi sức...

Chiều tối 13-7, đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM chủ trì buổi họp báo thông tin về tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn TPHCM.

Cùng dự có các đồng chí: Phan Nguyễn Như Khuê, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM; Lê Văn Minh, Thành ủy viên, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM.

Sở Y tế TPHCM giải thích vì sao nhiều trường hợp F0 chậm được cách ly, điều trị? ảnh 1 Đồng chí Phan Văn Mãi,  Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM chủ trì buổi họp báo

Sẽ cân nhắc thí điểm cách ly F0 tại nhà

Báo cáo tại cuộc họp, bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, hiện TPHCM có 10 khu cách ly với tổng công suất 15.080 giường, đang cách ly 7.977 giường tại các bệnh viện dã chiến. TPHCM đang thiết lập thêm 5 bệnh viện dã chiến nâng tổng số bệnh viện dã chiến lên 24 bệnh viện, quy mô gần 45.000 giường.

Sở Y tế TPHCM giải thích vì sao nhiều trường hợp F0 chậm được cách ly, điều trị? ảnh 2 Bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng thông tin tại buổi họp báo. Ảnh: TTBC

Trả lời câu hỏi về kế hoạch cách ly và điều trị F0 tại nhà, Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hữu Hưng cho rằng, việc cách ly F0 tại nhà là ý kiến của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn trong cuộc họp mới đây, TPHCM sẽ thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế, khi nào có hướng dẫn, TPHCM sẽ thực hiện.

“Ngay cả khi Bộ Y tế chưa yêu cầu, ngành y tế TPHCM cũng đã cân nhắc, chuẩn bị và được UBND TPHCM đồng ý triển khai. Tinh thần đây là việc mới, nên lãnh đạo ngành y tế yêu cầu các quận, huyện trước hết cần đảm bảo an toàn cho người trong nhà, cho cộng đồng, và khi thấy có những vấn đề cần thay đổi thì báo cáo ngay. Thời gian tới, khi kỹ thuật công nghệ giám sát đã hoàn thiện thì sẽ triển khai rộng rãi”, bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng cho biết.

Thông tin về việc phản ánh của người dân khi nhiều trường hợp F0 chậm được điều trị, bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng cho biết, thời gian qua, khi chúng ta test nhanh để xác định những người dương tính, khi đó sẽ tiếp tục làm xét nghiệm PCR để chắc chắn. Tuy nhiên với ngành y tế, ngay cả khi đã test nhanh dương tính thì đã coi như là F0 và tiến hành điều tra truy vết, chứ không chờ kết quả PCR – thường phải một ngày sau mới có. Nên có những trường hợp test nhanh dương tính nhưng PCR âm tính.
Các trường hợp test nhanh có triệu chứng thì phải chuyển ngay đi bệnh viện. Còn nếu chưa có triệu chứng thì tạm thời cách ly. Trước đây, khi tình hình chưa nóng, ca mắc Covid-19 chưa nhiều, nên dù có hay không có triệu chứng đều được chuyển đi bệnh viện. Nay số ca mắc Covid-19 nhiều lên, theo hướng dẫn của Bộ Y tế, phân cấp không có triệu chứng, triệu chứng nhẹ, có bệnh nền, cần hồi sức.
“Các bệnh viện dã chiến có lúc chưa đáp ứng đủ, đến nay cơ bản đã đáp ứng được số giường. Đến chiều 13-7, có hơn 15.000 ca, nhưng chúng ta đã chuẩn bị được gần 45.000 giường, tôi tin rằng thời gian tới, tất cả người được chẩn đoán F0 dù là test nhanh cũng được đưa vào bệnh viện”, bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng nói.

Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, ngành y tế hiện nay đang tập trung phòng, chống dịch Covid-19, là nhiệm vụ cấp bách. Ngoài các bệnh viện dã chiến trước đây, TPHCM cũng đã xây dựng nhiều kịch bản để đáp ứng công tác điều trị, để chăm sóc các bệnh nhân bình thường và bệnh nhân Covid-19 cho tốt. Ngành y tế đang cùng các quận huyện, để bóc tách hết các mầm bệnh đang tiềm ẩn trong cộng đồng, mà nếu không thực hiện Chỉ thị 16 sẽ khó khăn hơn rất nhiều.

“Tôi thực sự cảm kích, hiểu được tấm lòng, mong muốn của người dân Thành phố là TPHCM sẽ khống chế được dịch bệnh. Nhưng từ mong muốn đến hiện thực cần sự đóng góp của tất cả mọi người, tuân thủ khuyến cáo của ngành y tế, chỉ đạo của Thành phố để chiến thắng được dịch bệnh, hoặc ít ra có những tín hiệu khả quan trong 15 ngày. Còn nếu giải pháp chưa đủ mạnh, chưa đủ quyết liệt thì việc thực hiện Chỉ thị 16 trong 15 ngày sẽ giảm ý nghĩa đi nhiều”, ông Hưng nói.
Sở Y tế TPHCM giải thích vì sao nhiều trường hợp F0 chậm được cách ly, điều trị? ảnh 3 Toàn cảnh buổi họp báo. Ảnh: TTBC

Chưa tính đến phương án mở lại chợ truyền thống
Liên quan việc cung ứng hàng hóa, nhu yếu phẩm thiết yếu trong 24 giờ qua, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM Nguyễn Nguyên Phương cho biết, hôm nay (13-7), lượng hàng về TPHCM chủ yếu là thực phẩm tươi sống, khoảng 1.900 tấn, tăng 100 tấn so với hôm qua. Lượng hàng tăng là nhờ triển khai được điểm tập kết hàng hóa ở Thủ Đức để đưa về các chợ truyền thống và lượng hàng này đã góp phần giảm tải cho nguồn hàng về TPHCM.
Những ngày qua, các hệ thống phân phối hiện đại tăng lên khoảng 1,5 - 5 lần lượng hàng hóa. Hệ thống phân phối, hôm qua 68/234 chợ hoạt động, nay còn 59 chợ. Siêu thị thì đến nay có 6 siêu thị tạm dừng hoạt động (hôm qua là 4), nên việc cung ứng gặp nhiều khó khăn.
Sở Công thương đang vận động khai thác các nguồn lực xã hội, trong đó, Viettel Post và Việt Nam Post đã tích cực hỗ trợ, đăng ký đưa các bưu cục ở địa phương thành điểm bán hàng lưu động, Sở sẽ hỗ trợ đưa hàng hóa đến phục vụ người dân. Viettel post đăng ký 34 điểm, Việt Nam Post đăng ký 200 điểm bán hàng.

Sở Y tế TPHCM giải thích vì sao nhiều trường hợp F0 chậm được cách ly, điều trị? ảnh 4 Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM thông tin tại buổi họp báo. Ảnh: TTBC

Trả lời thông tin người dân phản ánh đặt hàng online ở các siêu thị từ 1-3 ngày, thậm chí 5 ngày vẫn không nhận được hàng, rồi bị siêu thị hủy đơn, ông Nguyễn Nguyên Phương cho hay, hiện có một số thời điểm xảy ra tình trạng quá tải. Theo ông, phần mềm thương mại điện tử của các siêu thị không trục trặc gì, vấn đề chính là hậu cần phục vụ cho đơn hàng online đó gặp khó khăn, do liên quan đến các trường hợp lây nhiễm, phải cách ly tập trung với F1, theo dõi tại nhà với F2.

Nhiều người lao động ở các siêu thị là người từ các tỉnh thành bạn, khi giãn cách xã hội thì đi lại khó khăn, nên lực lượng hậu cần giảm. Chợ truyền thống ngừng hoạt động cũng dồn gánh nặng lên các kênh siêu thị, nên có thời điểm không đáp ứng được yêu cầu. Giải pháp là Sở đã cung cấp số điện thoại của người đại diện các kênh phân phối, để nếu người dân không đặt được hàng hóa có thể gọi để xử lý. Các siêu thị cũng tiết kiệm thời gian bằng cách lên các combo để người dân đặt mua. Trong điều kiện hiện nay, ông Phương cũng mong sự sẻ chia từ người tiêu dùng.

Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, với các siêu thị lớn có kho dự trữ dồi dào thì rất khó có tình trạng thiếu hàng hóa. Những ngày qua, ngành công thương đã phải huy động các cửa hàng tiện lợi để phục vụ thêm thực phẩm tươi sống. Những cửa hàng ngày không có, hoặc kho dự trữ rất hạn chế nên những thời điểm người dân đi mua hàng nhiều sẽ khó đáp ứng kịp thời. Một giải pháp nữa là tăng cường bán lưu động. Đồng thời, các địa phương cũng chọn các chợ truyền thống đang tạm dừng hoạt động, tận dụng cơ sở vật chất của chợ rồi chọn 2-10 tiểu thương có kinh nghiệm kinh doanh mặt hàng thực phẩm tươi sống, có xét nghiệm âm tính để bố trí giãn cách rộng trong chợ, phát phiếu cho người dân mua hàng.

Về việc các chợ truyền thống hoạt động trở lại, Sở Công thương cho biết, chợ truyền thống hiện phân cấp cho quận, huyện quản lý. Thời gian qua dịch bệnh lây lan cao tại các chợ truyền thống, nhất là ở 3 chợ đầu mối. Mỗi đêm lượng người giao dịch ở đây rất lớn, rồi tỏa về 234 chợ truyền thống và các chợ nhỏ lẻ ở các tỉnh thành bạn. Nên nguy cơ lây nhiễm rất cao, rất nguy hiểm.

Từ tình hình thực tế, các quận huyện sẽ quyết định tạm dừng hoạt động chợ. Theo đó, với các chợ phát hiện ca mắc Covid-19 thì dừng hoạt động và triển khai quy trình y tế. Các chợ qua kiểm tra các tiêu chí an toàn thấy nguy cơ cao và điều kiện hoạt động không đáp ứng được thì phải có hướng khắc phục để tiếp tục hoạt động. Còn trường hợp không thể khắc phục được thì phải báo Sở Công thương phối hợp kiểm tra rà soát. Sở đã có hướng dẫn rõ, nhưng hiện nguy cơ lây nhiễm ở các chợ vẫn cao, nên hiện chưa có phương án mở lại. Từ đó, Sở đang tính đến phương án chọn một số tiểu thương tiếp tục bán hàng, phát phiếu đi chợ cho người dân.


Tạo “luồng xanh” với 19 tỉnh thành, cấp nhận diện 19.000 phương tiện

Theo ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GT-VT TPHCM, tình hình giao thông ngày 13-7 giảm khoảng 70% so với trước khi thực hiện Chỉ thị 16. Các loại hình vận tải hành khách công cộng tuân thủ nghiêm. Việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa, đã tạo được luồng xanh với 19 tỉnh thành, cấp nhận diện cho 19.000 phương tiện ra vào trong ngày.

Hiện TPHCM có 12 chốt cấp Thành phố với các tỉnh thành khác, được kiểm soát nghiêm ngặt. Với 311 chốt trên địa bàn các quận huyện, Thành phố giao cho các quận huyện thực hiện liên tục, có biện pháp phù hợp để tuần tra kiểm soát. “Chúng ta vẫn thực hiện tuần tra, kiểm soát nhưng phương thức linh hoạt hơn, chứ không phải gỡ bỏ các chốt. Tiến hành kiểm tra xác suất và tăng cường tuần tra”, ông Trần Quang Lâm thông tin.

Sau 5 ngày thực hiện Chỉ thị 16, UBND 21 quận huyện và TP Thủ Đức đã lập 766 đoàn kiểm tra, xử phạt hành chính 2.052 vụ với tổng tiền là hơn 4.9 tỷ đồng, chủ yếu là các hành vi tập trung đông người nơi công cộng, tiếp tục kinh doanh các mặt hàng mà thành phố đã yêu cầu tạm ngừng và đi ra ngoài khi không có việc thực sự cần thiết.

Tin cùng chuyên mục