Chiều 8-8, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM phối hợp Sở TT-TT TPHCM tổ chức họp báo cung cấp thông tin về tình hình kinh tế - xã hội TPHCM.
Chủ trì họp báo có các đồng chí: Phan Nguyễn Như Khuê, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM; Tăng Hữu Phong, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM; Nguyễn Ngọc Hồi, Phó Giám đốc Sở TT-TT TPHCM.
Sẽ thi tuyển 6 phó giám đốc sở
Tại họp báo, ông Nguyễn Duy Tân, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM thông tin về kế hoạch thi tuyển chức danh phó giám đốc cho các sở có nhu cầu nhân sự. Dự kiến ngày 15-8, Sở Nội vụ sẽ hoàn chỉnh kế hoạch để trình UBND TPHCM ban hành kế hoạch thi tuyển.
Dự kiến sẽ có Sở KH-ĐT, Sở VH-TT, Sở Tài Chính, Sở TT-TT, Sở TN-MT và Sở An toàn Thực phẩm TPHCM, mỗi sở thi tuyển 1 chức danh phó giám đốc trong đợt này.
Cùng với thi tuyển chức danh phó giám đốc sở, TPHCM cũng tiếp tục mở rộng thi tuyển chức danh lãnh đạo cấp phòng. Dự kiến cuối tháng 9, các sở ngành, quận huyện hoàn thiện kế hoạch thi tuyển và triển khai thực hiện. Việc thi tuyển lãnh đạo cấp sở và cấp phòng hoàn thành trong quý 4-2024 và TPHCM sẽ tổng kết kết quả thực hiện vào tháng 1-2025.
Văn phòng UBND TPHCM thông tin về tình hình tiếp nhận xử lý văn bản điện tử từ ngày 1-8 đến 11 giờ ngày 8-8. Theo đó, trong tuần đầu tiên áp dụng việc không tiếp nhận văn bản giấy của các đơn vị (trừ 4 loại văn bản theo quy định), Văn phòng UBND TPHCM đã tiếp nhận 2.321. Trong đó, 1787 văn bản điện tử (chiếm 77%) và 534 văn bản giấy (trong 4 loại phải xử lý văn bản giấy), chiếm 23%.
Văn phòng UBND TPHCM đánh giá việc nhận, gửi văn bản điện tử giúp tiết kiệm được ngân sách trong công tác quản lý hành chính nhà nước, tránh trường hợp gửi bị thất lạc văn bản. Điều quan trọng hơn là truyền tải được các chủ trương chính sách, ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo đến nơi cần tiếp nhận xử lý thông tin nhanh và chính xác các đơn vị tiếp nhận và không bị thất lạc.
Đồng thời, tránh việc sử dụng văn bản giả lưu hành, vì qua xác thực và văn bản điện tử được gửi qua đường truyền liên thông chung của thành phố, văn bản sẽ đến đúng cơ quan cần tiếp nhận, tính pháp lý của văn bản vẫn được đảm bảo rõ ràng nhờ qua kiểm tra trước từ đơn vị gửi đến trước khi tiếp nhận.
Việc sử dụng văn bản điện tử làm tăng hiệu quả công việc, thuận lợi trong việc rà soát kiểm tra tiến độ xử lý cũng như trả nhanh kết quả khi hồ sơ khi được xử lý xong.
Thời gian tới, trong khâu tiếp nhận văn bản, hồ sơ điện tử, TPHCM sẽ mở rộng kết nối từ phần mềm một cửa liên thông 136 thủ tục hành chính tích hợp vào hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ công việc tại Văn phòng, đồng thời sẽ mở rộng việc gửi nhận văn bản điện tử đến các Tổng công ty và các công ty trực thuộc UBND TPHCM.
Thông qua hệ thống này, người dân, các tổ chức cá nhân và doanh nghiệp vào trang web của Văn phòng UBND TPHCM theo dõi được tiến trình xử lý hồ sơ của chính mình khi được gửi đến UBND TPHCM và Văn phòng UBND TPHCM.
Nâng "chuẩn" an toàn với nhà trọ
Tại họp báo, đại diện Sở Xây dựng TPHCM thông tin về một số chỉ tiêu nhà trọ đưa ra trong dự thảo đề án quản lý, hỗ trợ nhà ở riêng lẻ có mục đích cho thuê trọ (nhà trọ) tại TPHCM mà Sở Xây dựng vừa trình cho UBND TPHCM.
Theo đề án, một số tiêu chuẩn tối thiểu mà nhà riêng lẻ cho thuê trọ phải bảo đảm như, diện tích tối thiểu bình quân sàn/người dự kiến là 5m²; hẻm xây dựng trọ có chiều rộng tối thiểu là 4m và cách mặt đường chính không quá 100m. Mọi phòng trong nhà phải đảm bảo có hành lang dẫn ra lối thoát nạn...
Việc đề xuất hẻm xây dựng nhà trọ phải có chiều rộng tối thiểu 3-4m là để đảm bảo xe cứu hỏa tiếp cận. Nếu hẻm không đủ rộng cho xe cứu hỏa vào thì nhà phải cách mặt đường chính không quá 100m để đường ống nước chữa cháy của xe cứu hỏa vào được đến nơi có sự cố. Còn tiêu chí diện tích tối thiểu 5m²/người là để giới hạn số lượng người trên mỗi phòng và giới hạn số lượng phòng trong mỗi công trình nhà trọ, tránh tập trung quá đông người.
Sở Xây dựng đánh giá trước thực trạng và những thảm họa về cháy nổ xảy ra trên cả nước tại các nhà trọ đông người, sở nhận thấy quy định tối thiểu áp dụng cho loại hình nhà trọ là hết sức cần thiết. Dù vậy, đây là các gợi ý, đề xuất ban đầu. Căn cứ tình hình thực tế, kết quả thống kê mà các quận huyện rà soát sẽ đề xuất cụ thể.
Sở Xây dựng tiếp tục phối hợp các sở ngành, cảnh sát PCCC thống nhất, lấy ý kiến của các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực, đánh giá một cách toàn diện trước khi trình UBND TPHCM ban hành quyết định chính thức về quy định tối thiểu.
Khoảng 12.800 nhà trọ không đủ "chuẩn" an toàn
Theo Sở Xây dựng, hiện TPHCM có khoảng 60.500 nhà trọ với 560.220 phòng và hơn 1,4 triệu người đang thuê. Dự kiến khi triển khai đề án sẽ có khoảng 12.800 công trình không đủ điều kiện an toàn (chiếm 21%) cần chuyển đổi, cải tạo lại. Tuy nhiên, đề án sẽ giúp quản lý và hỗ trợ cho người thuê trọ được an toàn, ngăn ngừa thảm họa cháy nổ, góp phần chỉnh trang đô thị…