Trong số này có nhiều vụ liên quan đến tranh chấp thuộc lĩnh vực bất động sản. Mới đây, Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) cho biết, số vụ tranh chấp liên quan đến bất động sản tại đây cũng tăng cao. Nguyên nhân phát sinh tập trung vào những bất cập về chính sách, các bên “bẻ” hợp đồng…
Theo nhiều luật sư, phần lớn tranh chấp liên quan đến các loại hợp đồng bằng hình thức góp vốn, mua bán, chuyển nhượng bất động sản. Đối tượng của các vụ tranh chấp cũng khá đa dạng. Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài thương mại luật gia Việt Nam, cho biết khi xảy ra tranh chấp, nhiều doanh nghiệp đã ưu tiên lựa chọn trọng tài thương mại. Bởi phương thức này có nhiều ưu điểm như thủ tục đơn giản, linh hoạt theo thỏa thuận của các bên giúp giải quyết tranh chấp nhanh chóng. Hiện tại, phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài không công khai giúp doanh nghiệp giữ bí mật được các thông tin tranh chấp có thể gây ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của họ. Đây được xem là phương thức hiệu quả để đi đến một quyết định có giá trị chung thẩm và ràng buộc các bên tranh chấp mà không cần đưa ra tòa án.
Để khuyến khích các doanh nghiệp lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp nhiều ưu việt này, Nhà nước cũng có hàng loạt chính sách hỗ trợ, đảm bảo quyền lợi của các bên khi tham gia giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, cũng như tương đồng với pháp luật trọng tài quốc tế. Với trọng tài, các bên được tự do lựa chọn thủ tục, thời gian, địa điểm, phương thức giải quyết tranh chấp theo hướng tiện lợi, nhanh chóng, hiệu quả nhất cho các bên trong khuôn khổ pháp luật cho phép. Điều này giúp giảm chi phí, thời gian và tăng hiệu quả quá trình giải quyết tranh chấp.