Chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm và Viện trưởng Viện KSND Lê Minh Trí sáng 30-10, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (đoàn Nam Định) cho biết, báo cáo của Chính phủ cho thấy số lượng tạm đình chỉ và đình chỉ điều tra còn lớn và ngày càng gia tăng. "Điều này có nghĩa là những bị can này bị treo lơ lửng về tình trạng pháp lý. Xin Bộ trưởng cho biết nguyên nhân chủ quan của tình trạng này? Giải pháp nào để giải quyết tình trạng trên?”, bà Hoa nêu vấn đề.
“Nguyên nhân chủ quan chiếm tỷ lệ rất nhỏ, chỉ có 0,75% trường hợp. Các trường hợp này cũng cần đánh giá cụ thể mới xác định oan sai và bồi thường thiệt hại”, Bộ trưởng Tô Lâm nhận định. |
“Chia lửa” với Bộ trưởng Tô Lâm, Viện trưởng Viện KSND Lê Minh Trí cam kết “sẽ đặc biệt áp dụng biện pháp hạn chế như tăng cường kiểm sát quá trình xử lý tin báo tố giác ngay từ đầu”. Nếu trong quá trình khởi tố, điều tra, nghiên cứu hồ sơ phát hiện mâu thuẫn, bất cập, cơ quan kiểm sát sẽ yêu cầu xác minh kịp thời; song song với việc thanh kiểm tra, chấn chỉnh, đảm bảo chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về tố tụng, nghiệp vụ của ngành.
Ông Lê Minh Trí giải thích thêm: “Tạm đình chỉ hoặc đình chỉ có mặt tích cực, vì đấu tranh tội phạm không khởi tố, không bắt thì không điều tra được như tội ma tuý, tham nhũng, cướp, giết, hiếp, đánh bài... Khi phân loại không đủ yếu tố thì tạm đình chỉ và đình chỉ là ngăn chặn oan sai. Viện có yêu cầu rà soát các trường hợp tạm đình chỉ để không đủ điều kiện thì kết thúc, còn đủ điều kiện thì phục hồi điều tra”. |
Chưa yên tâm, ĐB Mai Thị Phương Hoa tranh luận lại: “Sở dĩ tôi nêu câu hỏi này vì 1 năm thụ lý trên 94.000 vụ, trong đó có hơn 12.000 vụ và hơn 2.000 bị can bị đình chỉ điều tra - đó là con số rất lớn”. Đồng ý quan điểm đình chỉ cũng có mặt tích cực, nhưng ĐB nhấn mạnh, đình chỉ nhiều tiềm ẩn nguy cơ bỏ lọt tội phạm.
“Vấn đề này Ủy ban Tư pháp cũng đã nêu ra nhiều năm gần đây. Mong Bộ trưởng và Viện trưởng quan tâm để làm sao giảm được tỷ lệ này”, ĐB Phương Hoa nói.