Theo báo cáo của Tổng cục Thi hành án dân sự (phục vụ hội nghị sơ kết công tác tư pháp 6 tháng đầu năm và triển khai công tác 6 tháng cuối năm 2024 diễn ra tại Hà Nội ngày 10-7-2024), trong kỳ thống kê 9 tháng gần nhất, cơ quan này đã thụ lý mới 3.895 việc thi hành án (THA) liên quan đến các vụ án kinh tế, tham nhũng, tăng 1.470 việc (tăng 60,62%) so với cùng kỳ năm 2023. Cộng với số kỳ trước chuyển sang (trừ số ủy thác), thì tổng số phải thi hành là 6.396 việc, tăng 1.976 việc (tăng 44,71%) so với cùng kỳ năm 2023.
Trong đó, số có điều kiện thi hành là 4.779 việc, tăng 1.605 việc (tăng 50,57%) so với cùng kỳ năm 2023, chiếm 74,72% trong tổng số phải thi hành. Trong số có điều kiện thi hành, đã thi hành xong 2.117 việc, tăng 581 việc (tăng 37,83%) so với cùng kỳ năm 2023.
Tuy nhiên, tỷ lệ thi hành xong cả về việc, về tiền đều giảm (giảm 1,29% về việc; giảm 4,86% về tiền); kết quả thu hồi tiền, tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng giảm sâu; số lượng vụ việc khiếu nại, tố cáo tăng… Nhiều việc ra quyết định THA thiếu chính xác (có hơn 300 quyết định THA phải thu hồi, hủy); số chuyển kỳ sau tăng mạnh cả về việc và về tiền so với cùng kỳ năm 2023…
Nhìn nhận nguyên nhân chủ quan là chủ yếu, song cơ quan THA cũng cho rằng nguyên nhân khách quan phát sinh trong quá trình chỉ đạo, tổ chức THA cũng tác động rất lớn đến kết quả THA, bao gồm cả án dân sự và án hành chính. Chẳng hạn, quy định của pháp luật chưa hoàn thiện ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả THA, dẫn đến khó khăn trong xử lý tài sản; thiếu sự phối hợp hiệu quả của một số cơ quan hữu quan trong việc xác minh, đo vẽ, xác định ranh giới, hiện trạng để xử lý quyền sử dụng đất, khấu trừ tiền trong tài khoản...
Bên cạnh đó, số bản án hành chính phải theo dõi ngày càng nhiều. Vẫn còn tình trạng người phải THA là cơ quan nhà nước chưa chấp hành nghiêm các bản án nên số lượng án tồn ngày càng tăng.