Chiều 14-9, tiếp tục phiên họp thứ 15, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) nghe các báo cáo, báo cáo thẩm tra về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022.
Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đánh giá cao việc Chính phủ đã nghiêm túc thực hiện kết luận của UBTVQH trong việc chuẩn bị báo cáo có chất lượng, đúng thời hạn, nội dung theo yêu cầu; các thông tin, số liệu cơ bản đầy đủ, rõ ràng; phản ánh khá toàn diện và sát thực tình hình triển khai thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, UBTVQH trong thời gian từ ngày 1-10-2021 đến ngày 30-7-2022.
Theo báo cáo của Chính phủ, công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trong xây dựng, hoàn thiện thể chế và tổ chức thi hành pháp luật có nhiều chuyển biến tích cực. Trong đó, một điểm sáng là công tác kiểm soát thủ tục hành chính tại các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật đã được các cơ quan có thẩm quyền thực hiện có chất lượng, góp phần bảo đảm các luật, pháp lệnh, nghị quyết không làm phát sinh thủ tục hành chính gây khó khăn, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức. Công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật được triển khai thường xuyên, nề nếp. Tỷ lệ văn bản được rà soát rất cao (31.703/32.230 văn bản). Công tác hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật, pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật đã được các cơ quan quan tâm, chú trọng triển khai thực hiện. Công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật đạt nhiều kết quả tích cực.
Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân trong công tác triển khai thi hành pháp luật năm 2022 cũng đã được chỉ rõ. Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị quan tâm, làm rõ thêm nguyên nhân và giải pháp khắc phục đối với một số hạn chế, trong đó đáng lưu ý là đến nay vẫn còn 11/70 văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh đã có hiệu lực còn nợ chưa ban hành, chiếm 15,71% tổng số văn bản cần ban hành. So với năm 2021, việc nợ ban hành văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh đã có hiệu lực tăng, mặc dù số văn bản cần ban hành ít hơn so với cùng kỳ năm trước.
Năm 2021, Tổng Thư ký Quốc hội đã có Báo cáo số 575/BC-TTKQH ngày 24-12-2021 tổng hợp kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội, trong đó đã nêu một số hạn chế, tồn tại; đồng thời kiến nghị Chính phủ có giải pháp cụ thể, quyết liệt để sớm khắc phục, xử lý dứt điểm văn bản quy phạm pháp luật có nội dung chưa phù hợp với quy định của pháp luật đã được các cơ quan của Quốc hội chỉ ra tại kỳ giám sát năm 2020 và năm 2021, thực hiện nghiêm túc quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt về thời điểm có hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật… Tuy nhiên, trong nội dung báo cáo của Chính phủ về công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật chưa đề cập đến kết quả thực hiện các kiến nghị, giải pháp này, do đó đề nghị bổ sung làm rõ.
“Kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật cho thấy, số văn bản kiến nghị xử lý rất cao nhưng số văn bản được xử lý sau rà soát lại thấp. Bên cạnh đó, thực tiễn công tác rà soát cho thấy còn một số lúng túng trong việc xác định các tiêu chí rà soát để có cơ sở đánh giá, đề xuất giải pháp xử lý”, ông Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh.
Vẫn theo cơ quan thẩm tra, việc thi hành pháp luật của cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền ở một số nơi, một số thời điểm còn chưa tốt. Đặc biệt, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật còn diễn biến phức tạp trong một số lĩnh vực, như buôn lậu, vận chuyển hàng hóa, tiền tệ trái phép qua biên giới, gian lận xuất xứ; lợi dụng thương mại điện tử để trốn thuế, tội phạm liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 gia tăng, nhất là các loại vật tư, trang thiết bị y tế và các mặt hàng thiết yếu phục vụ phòng, chống dịch; trục lợi trong tổ chức tiêm vaccine, xét nghiệm Covid-19; lợi dụng việc đưa người Việt Nam ở nước ngoài về nước để trục lợi...