Ngày 28-12, tại TPHCM, Cục Trẻ em (Bộ LĐTB-XH) tổ chức hội thảo nâng cao hiệu quả quảng bá Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (Tổng đài 111).
Về kết quả tiếp nhận thông tin và can thiệp bảo vệ trẻ em của Tổng đài 111, ông Nguyễn Công Hiệu, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Dịch vụ truyền thông, Cục Trẻ em cho hay, riêng năm 2018, Tổng đài 111 đã tư vấn hơn 27.400 ca (tăng 1.562 ca so với năm 2017), hỗ trợ can thiệp cho 806 trẻ em (tăng 222 trường hợp).
Vấn đề nổi bật trong năm 2018 là số ca trẻ em bị bạo lực tăng cao: 357 ca, tăng 140 ca so với năm 2017. Trong đó, nổi lên nhức nhối nhất là vấn đề bạo lực của giáo viên đối với học sinh, xảy ra tại một số tỉnh, thành như: TPHCM (quận Gò Vấp, quận Tân Bình), tỉnh Trà Vinh, Quảng Bình, Long An, Nam Định…
Theo Cục Trẻ em, tình hình này gây mất lòng tin vào bảo mẫu, cô giáo mầm non; người dân lo lắng sự an toàn của trẻ em khi đến trường và mong muốn lắp camera tại trường học.
Trong khi đó, vấn đề dâm ô nhiều trẻ em bởi chính giáo viên trong nhà trường nổi lên trong tháng 4-2018 tại Hà Nội, Bình Dương. Thậm chí, năm 2018 có tình trạng trẻ bị xâm hại tình dục dẫn đến mang thai và sinh con.
Ông Nguyễn Công Hiệu nhận xét, trẻ em vẫn gặp nhiều thiệt thòi trong cuộc sống, có tình trạng trẻ bị sử dụng như một công cụ trả thù đối phương trong trường hợp cha mẹ có mâu thuẫn, ly hôn. Hiện nay, còn nhiều khó khăn trong hỗ trợ, can thiệp giúp trẻ: chưa có nơi ở phù hợp khi để thực hiện việc cách ly trẻ khỏi môi trường bị xâm hại, bạo lực; thiếu các dịch vụ hỗ trợ giúp cho trẻ bị xâm hại tại các địa phương, nhất là dịch vụ hỗ trợ tâm lý, trị liệu. Trong nhiều trường hợp, chính Tổng đài 111 cũng không thể kết nối được với người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã do cán bộ không nghe máy, bận họp và từ chối hợp tác, không tiếp nhận thông tin từ phía tổng đài.
Để tiếp nhận thông tin và can thiệp giúp trẻ hiệu quả hơn, ông Nguyễn Công Hiệu cho biết, Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em sẽ phát triển 2 trung tâm vùng (tư vấn trợ giúp trẻ em, tư vấn phòng, chống mua bán người) tại Đà Nẵng (miền Trung) và An Giang (miền Nam). Đồng thời, phát triển văn phòng trị liệu tâm lý cho trẻ em; phát triển kênh tiếp nhận thông tin, tư vấn và hỗ trợ can thiệp trực tuyến.
Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam lưu ý, Tổng đài 111 hoạt động 24/24 là dịch vụ công đặc biệt, do Chính phủ thiết lập, vận hành nhằm tiếp nhận tất cả thông tin từ cơ quan, tổ chức, người dân về bảo vệ trẻ em. Tổng đài không chỉ tiếp nhận thông tin từ cá nhân khi người dân có nghi ngờ, hoặc phát hiện hành vi bạo lực, xâm hại trẻ, mà Tổng đài còn chủ động khai thác tất cả thông tin qua báo chí, truyền thông, mạng xã hội…
Để đông đảo người dân biết tới Tổng đài 111, Cục Trẻ em mong muốn có sự tham gia nhiều hơn từ phía xã hội, đặc biệt là khuyến khích các doanh nghiệp hợp tác quảng bá bằng cách in số điện thoại Tổng đài 111 lên trên các bao bì, sản phẩm.
Theo Cục trưởng Cục trẻ em Đặng Hoa Nam, việc in số điện thoại Tổng đài 111 bảo vệ trẻ em lên trên bao bì, sản phẩm là thể hiện trách nhiệm xã hội, trách nhiệm với trẻ em của doanh nghiệp; qua đó góp phần tăng niềm tin, sự tin cậy và yêu thích của người tiêu dùng với sản phẩm.