Nếu như năm 1996, tỷ lệ trẻ em thừa cân và béo phì chỉ chiếm khoảng 12% thì đến 2009 đã tăng lên là 43%. Còn mới nhất là giai đoạn 2014-2015, tỷ lệ béo phì của trẻ ở khu vực nội thành của TPHCM là trên 50%, tại Hà Nội là trên 40%.
Theo Tiến sĩ Từ Ngữ, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Dinh dưỡng Việt Nam, béo phì và thừa cân thường để lại nhiều hậu quả về mặt sức khỏe và cũng là nguyên nhân của nhiều căn bệnh nghiêm trọng như tiểu đường, tim mạch, ung thư. Điển hình là bệnh tiểu đường tuýp 2 ở trẻ em ngày càng nhiều hơn, xảy ra ở những trẻ béo phì, không kiểm soát được cân nặng.
Tuy nhiên, đáng lo ngại là đa số người Việt Nam vẫn chưa quan tâm nhiều đến nguy cơ các bệnh do béo phì và thừa cân gây ra, nên tỷ lệ béo phì, thừa cân ở trẻ tiếp tục tăng cao. Các chuyên gia dinh dưỡng cũng chỉ rõ, nguyên nhân của tình trạng thừa cân, béo phì ở trẻ tăng là do người lớn cho trẻ dùng nước giải khát nhiều (1 - 3 lần/ngày), cũng như sử dụng những thực phẩm chứa nhiều đường.