- Doanh nghiệp nếu công bố kết quả sai sẽ bị rút giấy phép kinh doanh
Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) ngày 3-10 tiếp tục công bố kết quả kiểm nghiệm các mẫu sữa do Viện Dinh dưỡng quốc gia thực hiện. Theo đó, đã phát hiện thêm 2 mẫu sữa của Công ty CP Sữa Hà Nội (Hanoimilk) dương tính với chất melamine. Đó là mẫu sữa tiệt trùng Hi-P sôcôla với hàm lượng melamine là 150mcg/kg và sữa bột Whole milk2 với hàm lượng melamine là 245mcg/kg.
Như vậy tính đến chiều 3-10, loại sữa và sản phẩm thực phẩm sữa có mặt trên thị trường Việt Nam bị dính melamine tiếp tục tăng lên 20 loại so với ngày 2-10 là 18 loại, trong đó riêng Hanoimilk có 4 loại. Trước tình hình đáng lo ngại trên, Bộ Y tế yêu cầu tất cả cơ sở có sản phẩm sữa, thực phẩm chứa chất melamine phải tổ chức thu hồi ngay toàn bộ các sản phẩm chứa độc chất nguy hiểm này còn lưu thông trên thị trường, niêm phong và xử lý tiêu hủy. Hoạt động kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh sữa và thực phẩm có thành phần sữa sẽ tiếp tục được siết chặt.
Cũng bắt đầu từ ngày 3-10, Bộ Y tế sẽ chỉ công bố tên những sản phẩm sữa, sản phẩm làm từ sữa, bột nguyên liệu sữa xét nghiệm phát hiện dương tính với melamine. Còn đối với những sản phẩm âm tính với melamine sẽ do doanh nghiệp và các hiệp hội tự công bố và phải chịu trách nhiệm trước cơ quan chức năng.
Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Công Khẩn, Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, bất cứ lúc nào cơ quan chức năng của Bộ Y tế cũng có thể tái lấy mẫu đột xuất để kiểm tra tính xác thực của kết quả mà doanh nghiệp đã công bố. Nếu phát hiện kết quả sai với kết quả đã công bố doanh nghiệp sẽ bị xử phạt rất nặng, thậm chí có thể bị rút giấy phép kinh doanh. Do đó doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về tính chính xác và trung thực của kết quả mà chính doanh nghiệp công bố.
Kh.Nguyễn
Đà Nẵng: Gần 2 tấn sữa nghi có melamine (SGGP).- Ngày 3-10, lực lượng thanh tra của Sở Y tế TP Đà Nẵng đã phát hiện tại một cơ sở tại số 20 đường Thanh Long (phường Thanh Bình, quận Hải Châu) đang cất giữ và kinh doanh hai loại sữa bột béo Mafalac và sữa bột béo Hà Lan (ảnh) nghi có chứa chất melamine. Bác sĩ Mạc Như Chung, Phó Chánh Thanh tra Sở Y tế TP Đà Nẵng cho biết: hai loại sữa này được sản xuất, đóng gói từ nguyên liệu gốc là Full Cream Milk Power (sữa bột béo nguyên kem). Theo danh mục do Bộ Y tế công bố, loại nguyên liệu này nếu do Công ty thực phẩm Anco và Công ty cổ phần sữa Hà Nội nhập khẩu tức là có chứa melamine. Tuy nhiên, trên bao bì của hai loại sữa này không ghi rõ tên đơn vị nhập khẩu mà chỉ ghi tên đơn vị đóng gói. Loại sữa Mafalac được đóng gói tại Doanh nghiệp tư nhân Bích Cơ (21 đường 5A, Bình Trị Đông B, quận Tân Bình, TPHCM), ghi nguyên liệu ngoại nhập nhưng không rõ nguồn gốc. Loại sữa bột béo Hà Lan do Công ty TNHH Tân Thanh Ngọc (918 Nguyễn Chí Thanh, phường 4, quận 11, TPHCM) đóng gói, ghi nguyên liệu nhập từ Hà Lan và New Zealand nhưng cũng không có tên đơn vị nhập khẩu. Điều đáng chú ý là ở loại sữa Mafalac, số công bố chất lượng 03/2005/CBTC-DNTN-CB lại do doanh nghiệp tự công bố là trái quy định. Hơn nữa, số công bố chất lượng này đã quá thời hạn khoảng nửa năm. Số công bố chất lượng của sữa bột béo Hà Lan là 05/2001/CBTC-TN tuy do Sở Y tế TPHCM công bố, nhưng cũng đã quá thời hạn đến hơn 4 năm rưỡi. Với những sai phạm thể hiện trên bao bì và những nghi vấn về nguồn gốc nguyên liệu nên Thanh tra Sở Y tế Đà Nẵng đã tiến hành niêm phong tại cơ sở nêu trên 1,4 tấn sữa Mafalac (gồm 70 thùng, mỗi thùng 40 gói) và 468kg sữa bột béo Hà Lan (gồm 28 thùng, mỗi thùng 33 gói), tổng cộng lên đến 1,862 tấn. Trước mắt, Thanh tra Sở Y tế Đà Nẵng yêu cầu chủ cơ sở cung cấp phiếu xét nghiệm và bảng công bố chất lượng từ công ty gốc ở TPHCM (nơi đóng gói). Nếu các tài liệu này thể hiện đúng theo quy định thì sẽ giải tỏa hàng cho doanh nghiệp tiếp tục kinh doanh, nếu không sẽ gửi mẫu xét nghiệm để làm rõ việc sản phẩm có chứa melamine hay không. Ng.Hùng |