Xung đột, thiên tai là nguyên nhân chính
Trong đó, 60,9 triệu lượt người lần đầu di cư, một số trường hợp buộc phải di cư nhiều lần trong năm. Con số này tăng 60% so với khoảng 38 triệu lượt người vào năm 2021.
Giám đốc IDMC, bà Alexandra Bilak, cho rằng tình trạng gia tăng số người di cư trong nước chủ yếu là do ảnh hưởng của các cuộc xung đột và thiên tai trên khắp thế giới. Năm 2022, số lượng người di cư trong nước để tránh các cuộc xung đột đã tăng lên 28,3 triệu người trên thế giới, gần gấp đôi so với một năm trước đó và cao hơn 3 lần so với mức trung bình hàng năm trong thập niên qua.
Khu vực châu Phi cận Sahara chứng kiến khoảng 16,5 triệu người phải rời khỏi nơi cư trú, trong đó hơn một nửa là do các cuộc xung đột tại CHDC Congo và Ethiopia.
Bên cạnh đó, thiên tai vẫn tiếp tục là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến các trường hợp di cư trong nước mới.
Năm 2022 ghi nhận 32,6 triệu người di cư do các thảm họa thiên nhiên và khí hậu, tăng 40% so với năm 2021. Chỉ riêng tại Pakistan, 8 triệu người dân cũng đã buộc phải rời bỏ nhà cửa do tình trạng lũ lụt nghiêm trọng.
Theo IDMC, gần 75% số người di cư trong nước trên thế giới sống ở 10 quốc gia: Syria, Afghanistan, CHDC Congo, Ukraine, Colombia, Ethiopia, Yemen, Nigeria, Somalia và Sudan.
Số người di cư trong nước có thể vẫn sẽ tăng trong năm nay, một phần là do các cuộc xung đột mới như giao tranh tại Sudan. Theo số liệu của Liên hiệp quốc (LHQ), hơn 700.000 người đã phải di tản trong nước kể từ khi cuộc giao tranh nổ ra hôm 15-4, trong khi đó có khoảng 150.000 người khác đã phải di cư sang nước ngoài.
Khủng hoảng lương thực toàn cầu
Khủng hoảng đa tầng chưa từng có đang ngày càng tác động đến khả năng di cư của con người. Các cuộc khủng hoảng liên quan đến biến đổi khí hậu đang diễn ra, tác động kéo dài của đại dịch, bất ổn kinh tế, giá lương thực tăng cao và tác động toàn cầu của xung đột ở nhiều nơi đã dẫn đến tình trạng mất an ninh lương thực ở mức cao kỷ lục trên thế giới vào năm 2022.
Đặc biệt, báo cáo của IDMC nêu bật tình trạng mất an ninh lương thực như một nguyên nhân, hậu quả và rào cản tiềm tàng đối với việc di cư trong nước.
Người đứng đầu NRC, ông Jan Egeland, đánh giá các xung đột và thảm họa thiên nhiên xảy ra vào năm 2022 đã làm trầm trọng thêm tình trạng bấp bênh và bất bình đẳng vốn tồn tại từ trước, dẫn tới tình trạng di cư trong nước ở quy mô chưa từng thấy. Các cuộc xung đột cũng đã châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng an ninh lương thực toàn cầu, ảnh hưởng nặng nề nhất đến những người phải di cư trong nước. Chính điều này đã làm suy yếu đi những tiến bộ đạt được trong nhiều năm, trong nỗ lực giảm nạn đói và suy dinh dưỡng toàn cầu.
Báo cáo của IDMC là một cảnh báo rõ ràng rằng cần phải có hành động cụ thể để tìm ra các giải pháp bền vững cho tình trạng di cư trong nước.
Cụ thể, các tổ chức nhân đạo và phát triển của LHQ, các chính phủ và một loạt các nhóm liên quan khác cần tăng cường phối hợp để giảm bớt các nguyên nhân đẩy người dân phải di cư trong nước, làm mất ổn định cuộc sống.