Ngày 1-3, HĐND TPHCM và Đài Truyền hình TPHCM (HTV) tổ chức chương trình Lắng nghe và trao đổi, chủ đề: đảm bảo trật tự an toàn giao thông (ATGT) - xây dựng nếp sống văn minh đô thị.
Giảm mạnh số người chết vì TNGT
Điểm tích cực trong đảm bảo trật tự ATGT trên địa bàn TPHCM năm 2019 là tình hình tai nạn giao thông (TNGT) giảm sâu cả 3 mặt so với năm 2018: giảm 213 vụ TNGT (5,58%); giảm 74 người chết (10,3%), và giảm gần 3% số người bị thương. TPHCM xử lý nghiêm tình trạng uống rượu bia rồi lái xe, bước đầu có hiệu quả rõ rệt.
Ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó Trưởng ban Thường trực Ban ATGT TPHCM phân tích, những năm trước đây, mỗi năm có đến 1.400 người chết vì TNGT. Qua nhiều năm tập trung kéo giảm, số người chết vì TNGT năm 2019 đã giảm còn 641 người.
“641 người chết vì TNGT là con số thấp nhất trong 20 năm qua. Đây là con số rất đáng ghi nhận trong bối cảnh dân số cơ học gia tăng, số lượng phương giao thông tiện giao thông cứ 10 năm lại tăng gấp đôi - từ 4 triệu phương tiện vào năm 2009, đến nay là hơn 8 triệu phương tiện”, Thượng tá Huỳnh Trung Phong, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt TPHCM (PC08), Công an TPHCM nhận xét.
Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Đức Hải, phân tích kỹ hơn thì thấy thực trạng trật tự ATGT ở TPHCM vẫn còn rất nhiều vấn đề phức tạp. Số vụ xử lý vi phạm trật tự ATGT rất lớn: hơn 583.000 vụ/năm. Dù TNGT có giảm nhưng năm qua TPHCM vẫn xảy ra tới 3.500 vụ TNGT.
Dẫn chứng 80-90% số vụ TNGT có nguyên nhân là ý thức chấp hành pháp luật ATGT của người tham gia giao thông chưa tốt, ông Nguyễn Ngọc Tường nhận xét, nhiều người còn đi vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, đi vào đường cấm, sử dụng rượu bia rồi lái xe… Tình trạng buôn bán lấn chiếm vỉa hè, chợ tự phát lấn chiếm lòng lề đường vẫn diễn ra.
Qua giám sát, ông Lê Minh Đức, Phó Trưởng ban Pháp chế, HĐND TPHCM đánh giá, dân số cơ học tăng nhanh, mật độ xây dựng rất cao, số lượng phương tiện giao thông tăng mạnh hàng năm, nhưng hạ tầng giao thông chưa đảm bảo, giao thông công cộng chưa đáp ứng được yêu cầu.
Trong chương trình, các cử tri đã nêu trực tiếp các tồn tại về trật tự ATGT trên địa bàn. Cử tri Nguyễn Thế Định (phường Tân Định, quận 1) chất vấn: lòng lề đường ở khu vực trước cổng Bệnh viện Từ Dũ rất lộn xộn, làm xấu bộ mặt TPHCM, chuyện này bao giờ được cải thiện? Cử tri, Nguyễn Văn Tốt (phường 15, Bình Thạnh), nêu tình trạng mất trật tự ở bến xe miền Đông và yêu cầu TPHCM có các giải pháp chấn chỉnh.
Cử tri Giang Văn Lệnh (quận 2, TPHCM) phản ánh, tuyến đường Lương Định Của (đoạn từ ngã tư Trần Não tới vòng xoay An Phú), dài chưa đầy 3 km nhưng thi công 5 năm chưa xong. “Đoạn đường này bao giờ hoàn thành”, cử tri Giang Văn Lệnh hỏi. Cử tri Nguyễn Văn Chàng (thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh), đặt vấn đề: tại sao TPHCM không tăng cường công nghệ 4.0 để giám sát trật tự ATGT, trong đó giám sát ngay cả lực lượng thực thi luật pháp ở lĩnh vực giao thông. Cử tri cho rằng áp dụng mạnh công nghệ trong quản lý và giám sát là thể hiện sự minh bạch, rõ ràng, triệt để trong cách làm của thành phố.
“Điểm nghẽn” đền bù, giải phóng mặt bằng
Trả lời cử tri Giang Văn Lệnh về dự án giao thông kéo dài, ông Lương Minh Phúc, Trưởng Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM cho biết, nguyên nhân chính là công tác đền bù, giải phóng mặt bằng không theo kịp tiến độ thi công. Riêng 3 km đường Lương Định Của kéo dài suốt 5 năm, bởi đến nay vẫn còn 46 hộ dân chưa di dời. Ông Phúc đề nghị UBND quận 2 sớm hoàn thiện công tác giải phóng mặt bằng. Ông Phúc cam kết con đường sẽ thực hiện dứt điểm trong vòng 12 tháng từ ngày mặt bằng được bàn giao.
Về các dự án đang triển khai nhưng chậm tiến độ, Giám đốc Sở GT-VT TPHCM Trần Quang Lâm cho hay, với trình độ thiết kế, xây lắp hiện nay ở Việt Nam, thông thường một dự án chỉ thực hiện khoảng 1,5 năm kể từ khi có mặt bằng, là kết thúc; trừ công trình đặc thù về tàu điện ngầm, cầu dây văng thì kéo dài 2-5 năm. Vấn đề là công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng lại là điểm nghẽn trong thực hiện các công trình. Vì thế, TPHCM đã trình Chính phủ “Cơ chế, quy trình đặc thù để rút ngắn thời gian thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng dự án có thu hồi đất trên địa bàn TPHCM”, nhằm tháo gỡ điểm nghẽn này.
Đồng thời, TPHCM tiếp tục ưu tiên đầu tư các tuyến đường cửa ngõ như tuyến Quốc lộ 1, Quốc lộ 50, Quốc lộ 3; đường Vành đai 2, 3; các tuyến đường cao tốc kết nối TPHCM với Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam… Trong năm 2020, TPHCM siết chặt công tác xử lý xe 3-4 bánh; hạn chế xe tải lưu thông ban ngày vào trung tâm TPHCM. Tháng 3-2020, Sở sẽ đưa ra danh mục 23 đoạn đường ứng dụng camera để xử phạt nguội. Ngoài ra, TPHCM đã đăng ký thí điểm nộp phạt online khi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông.
Trước tình trạng một bộ phận người dân chưa có ý thức khi tham gia giao thông, Thượng tá Huỳnh Trung Phong cho hay, năm 2020, PC08 sẽ tập trung khảo sát từng đối tượng học sinh, sinh viên; công nhân, người lao động; công chức, viên chức… Qua đó, xác định cụ thể tình trạng hạn chế ý thức tập trung ở hành vi nào, đối tượng nào… và PC08 xây dựng đề án nâng cao ý thức chấp hành giao thông sát theo thực trạng.
“Chúng tôi xây dựng đề án không hẳn tham vọng việc lớn việc to, mà tập trung vào việc thực tế. Chẳng hạn, tham gia giao thông, khi có đèn đỏ, người đi đường cần chấp hành dừng đúng vạch sơn. Chúng tôi đặt ra từng việc nhỏ như thế, bắt đầu từ việc nhỏ và cải thiện từ việc nhỏ”, Thượng tá Huỳnh Trung Phong lý giải.
Đầu tư cho giao thông chỉ đạt ¼ mục tiêu do bị giảm tỷ lệ điều tiết ngân sách Giám đốc Sở GT-VT TPHCM Trần Quang Lâm chỉ rõ thực trạng hạ tầng giao thông ở TPHCM rất hạn chế: mật độ giao thông mới đạt 2,2km/km2, trong khi quy chuẩn cần 10-13km/km2; tỷ lệ đất dành cho giao thông mới đạt 10% đất xây dựng đô thị, trong khi chỉ tiêu cần 23-26%, chưa đạt 50% so với tiêu chuẩn. Có nhiều nguyên nhân các công trình giao thông không đạt tiến độ như mong muốn. Ông Trần Quang Lâm khẳng định, TPHCM rất ưu tiên cho giao thông, chi riêng cho giao thông vào năm 2019 là 17.000 tỷ đồng, chiếm gần ¼ chi cho đầu tư phát triển của TPHCM. Nhưng, so với mong muốn, so với với nhu cầu phát triển, vẫn chưa đạt. Trong cả giai đoạn 2016-2020, TPHCM dự kiến đột phá giảm ùn tắc giao thông, giảm TNGT với 172 dự án có tổng quy mô đầu tư 323.000 tỷ đồng. Song cả nhiệm kỳ, dự kiến chỉ đạt mức đầu tư 84.000 tỷ đồng, tương đương ¼ mục tiêu đề ra. “Nhu cầu đặt ra từ đầu nhiệm kỳ nhưng nguồn lực thực hiện hạn chế. Ngay đầu nhiệm kỳ, TPHCM dự báo phát triển giao thông trên cơ sở tỷ lệ ngân sách được để lại là 23% trong tổng số thu ngân sách ở TPHCM nhưng sau đó, tỷ lệ điều tiết ngân sách mà TPHCM được giữ lại chỉ còn 18%”, ông Trần Quang Lâm lý giải. Cũng theo ông Trần Quang Lâm, trong khi đó, việc thu hút đầu tư bằng các hình thức PPP (đối tác công – tư), BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao), BT (xây dựng – chuyển giao), đều gặp khó khăn về pháp lý. Vì thế, thời gian qua, nguồn lực đầu tư cho hạ tầng giao thông không đạt, những công trình trong kế hoạch chưa thể đầu tư. |