Số người chết vì động đất, sóng thần Indonesia tăng lên hơn 1.200 người
SGGPO
* Chính phủ Indonesia kêu gọi quốc tế hỗ trợ khắc phục hậu quả động đất, sóng thần
Ngày 1-10, Chính phủ Indonesia xác nhận số nạn nhân thiệt mạng trong thảm họa động đất, sóng thần tại tỉnh Trung Sulawesi hiện là 1.203 người và đây chắc chắn chưa phải là con số cuối cùng.
Nhiều người bị mất người thân và nhà cửa sau trận động đất. Ảnh: Reuters
Con số này được đưa ra khi các nhân viên cứu hộ đã đến được Donggala - nơi cách Palu 30 phút lái xe, nơi gần tâm chấn của trận động đất - bị chia cắt bởi hệ thống giao thông và hệ thống thông tin liên lạc bị hư hỏng nặng.
Tờ Straits Time đưa tin, lực lượng cứu hộ đang chạy đua với thời gian để tiếp cận nạn nhân của trận động đất hôm 28-9 vừa qua vẫn bị kẹt dưới đống đổ nát sau 2 ngày xảy ra thảm họa. Trong khi đó, số người chết vẫn tiếp tục tăng khi có nhiều xác chết được tìm thấy.
Indonesia bị tàn phá nặng nề sau trận động đất và sóng thần. Ảnh: Reuters
* Trong khi đó, các cơ quan chức năng cũng thông báo khoảng 1.200 tù nhân đã vượt ngục từ 3 trại giam khác nhau ở hòn đảo Sulawesi.
Quan chức thuộc Bộ Tư pháp Indonesia Sri Puguh Utami cho biết các tù nhân đã vượt ngục từ 2 trại giam bị quá tải tại thành phố Palu và một nhà tù tại Donggala sau khi động đất làm rung chuyển các khu vực này. Bà Utami cho rằng các phạm nhân chạy trốn là do quá sợ hãi trước động đất.
Theo quan chức trên, nhà tù tại Donggala đã bị phóng hỏa và toàn bộ 343 tù nhân đã chạy trốn. Đa số các phạm nhân đều bị phạt tù do tham nhũng và tội danh liên quan đến ma túy. Năm tù nhân phạm tội khủng bố đã được chuyển đi khỏi trại giam trước khi xảy ra thảm họa.
Nhiều thi thể người được tìm thấy tại Palu
Lực lượng cứu hộ đang đưa những người gặp nạn ra khỏi đống đổ nát
* Trước đó, ngày 30-9, Tổng thống Indonesia Joko Widodo cũng đã tới Sulawesi để động viên người dân nơi đây. Ông kêu gọi lực lượng cứu hộ "nỗ lực ngày đêm" để cứu tất cả những ai còn có thể.
“Tôi hy vọng mọi người sẽ kiên nhẫn. Chúng tôi đang cùng nhau làm việc này”, ông nói với người dân ở Sulawesi.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo cũng đã tới Sulawesi để động viên người dân nơi đây
Theo cơ quan Đối phó Thiên tai Quốc gia Indonesia (BNPB), khoảng 16.700 người dân đã bị mất nhà cửa bởi các trận động đất và khoảng 2,4 triệu người ở Donggala và Palu cần viện trợ nhân đạo.
"Nhiên liệu, nước uống, nhân viên y tế, lều, điện, thực phẩm và các yếu tố cần thiết khác là hết sức cần thiết", phát ngôn viên BNPB Sutopo Purwo Nugroho cho biết tại một cuộc họp báo ở Jakarta hôm 30-9.
Trước đó, các đội cấp cứu không thể đến Palu thủ phủ của Sulawesi và là nơi hứng chịu hậu quả nặng nề nhất, do các đường băng sân bay và tháp điều khiển không lưu đã bị hư hại. Tuy nhiên, sân bay Mutiara SIS Al-Jufrie hôm 30-9 đã được sửa chữa và dọn dẹp để đón tiếp nhiều chuyến bay cứu trợ và thương mại.
Hiện, lực lượng cứu hộ đang cố gắng tiếp cận những người bị mắc kẹt dưới các tòa nhà bị sập.
Giới chức Indonesia cũng đang nỗ lực cung cấp lương thực, thực phẩm, viện trợ và các trang thiết bị cần thiết đến đảo Sulawesi. Các nhân viên cứu hộ đang chạy đua với thời gian và nỗ lực khắc phục tình cảnh thiếu thốn trang thiết bị để tiếp tục công tác tìm kiếm các nạn nhân đang bị mắc kẹt dưới đống đổ nát.
Phó Tổng thống Indonesia Jusuf Kalla cảnh báo số người thiệt mạng có thể lên tới "hàng nghìn người" khi việc kết nối với các khu vực xa trung tâm được khôi phục và thông tin đầy đủ.
Ảnh: Reuters
Một người đàn ông đi bên trong sân bay sau trận động đất ở Palu. Ảnh: EPA-EFE
Ảnh: Reuters
Một nhà thờ hồi giáo bị tàn phá sau trận động đất. Ảnh: Reuters
Ảnh: EPA-EFE
Trước khi đến Palu hôm 30-9, Tổng thống Joko Widodo đã huy động lực lượng cứu hộ và cảnh sát để hỗ trợ các hoạt động cứu trợ. Chính quyền của ông cũng dành 560 tỷ IDR (hơn 37 triệu USD)" cho các họa động cứu trợ.
Ngày 1-10, Chính phủ Indonesia đã kêu gọi cộng đồng quốc tế chung tay hỗ trợ nước này trong công tác khắc phục hậu quả sau thảm họa động đất - sóng thần tàn phá đảo Sulawesi hôm 28-9.
Trong một tuyên bố, người đứng đầu Ủy ban Điều phối đầu tư (BKPM) Indonesia Tom Lembong cho biết Tổng thống nước này Joko Widodo đã cho phép tiếp nhận hỗ trợ quốc tế phục vụ cho công tác ứng phó và khắc phục thiệt hại sau thảm họa.
Hàng chục cơ quan viện trợ và tổ chức phi chính phủ (NGO) cũng thông báo sẵn sàng cung cấp hỗ trợ cần thiết cho Indonesia trong công tác cứu hộ, cứu trợ và tái thiết.
Trước đó, nhiều quốc gia cho biết sẽ hỗ trợ Indonesia khắc phục hậu quả sau thảm họa kinh hoàng trên.
Liên minh châu Âu (EU) đã thông báo khoản viện trợ khẩn cấp 1,5 tỷ euro (tương đương 1,74 triệu USD) cho Indonesia.
Bộ Ngoại giao Hàn Quốc tuyên bố nước này sẽ viện trợ nhân đạo 1 triệu USD để giúp đỡ những người dân Indonesia bị ảnh hưởng bởi thảm họa và hỗ trợ công tác tái thiết.
Từ Bắc Kinh, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng khẳng định Trung Quốc sẵn sàng hỗ trợ để đáp ứng các nhu cầu của phía Indonesia.
Tương tự, Chính phủ Australia cũng tuyên bố sẽ hỗ trợ Indonesia bất cứ điều gì cần thiết để quốc gia này có thể phục hồi sau trận sóng thần nguy hiểm vừa qua.
Indonesia nằm trên "Vành đai lửa" Thái Bình Dương, một trong những khu vực hay xảy ra động đất và núi lửa phun trào nhất trên thế giới.
Mới đây, vào tháng 8-2018, một loạt các trận động đất lớn ở đảo Lombok đã làm khoảng 500 người thiệt mạng, hàng trăm nghìn người phải đi lánh nạn; đồng thời phá hủy hàng chục ngôi làng dọc theo bờ biển phía Bắc của đảo này.
Trước đó, vào năm 2004, một trận động đất mạnh 9,3 độ Richter kéo theo sóng thần ở ngoài khơi đảo Sumatra, Tây Indonesia, đã cướp đi sinh mạng của 220.000 người ở các quốc gia ven bờ Ấn Độ Dương, trong đó có 168.000 người ở Indonesia.
Tại Palu, thủ phủ của tỉnh Trung Sulawesi, bị ảnh hưởng bởi sóng thần vào năm 1927 và năm 1968, theo BNPB.
>> Một số hình ảnh tại Indonesia sau trận động đất, sóng thần ngày 28-9: