Ban đầu, app chỉ dừng ở cung cấp kho dữ liệu phác đồ điều trị, gửi thư mời họp trực tuyến các lãnh đạo bệnh viện và các khoa phòng. Từ 1-10, app cho phép người dân tra cứu tiến độ giải quyết hồ sơ dịch vụ công của sở y tế. Theo đó, khách hàng chỉ cần nhập số biên nhận sẽ nhận được thông báo kết quả giải quyết hồ sơ của mình. Khi có thông báo “Trả kết quả” thì đến nhận lại hồ sơ hoặc chờ bưu điện giao tận nhà.
Trước đó, người dân TPHCM hết sức phấn khởi khi Sở Quy hoạch - Kiến trúc công bố ứng dụng tra cứu thông tin quy hoạch. Theo truyền thống, khi người dân muốn xem thông tin quy hoạch thì phải ra UBND phường của mình để xem và chờ được giải đáp thắc mắc. Nay, bà con, nhất là bà con ở xa trung tâm hành chính, ngồi ở đâu cũng chỉ cần có kết nối Internet, tải app là có thể tra cứu thông tin về các thửa đất, thông tin về quy hoạch, xin cấp chứng chỉ quy hoạch trực tuyến. Hay như app “Bình Thạnh trực tuyến”, được quận đưa vào sử dụng từ tháng 4-2017, nhằm tạo điều kiện cho người dân phản ảnh vi phạm về trật tự đô thị, bao gồm: lấn chiếm lòng lề đường, vi phạm về vệ sinh môi trường, xây dựng không phép. Trong thời gian 2 giờ kể từ khi nhận tin phản ánh, UBND phường phải cử ngay lực lượng xử lý đến địa điểm vi phạm. Kết quả xử lý được cập nhật tại chỗ và công khai kết quả xử lý trên ứng dụng để người dân theo dõi, giám sát. Đến nay, đã có hơn 10.700 lượt người dân tải app về sử dụng và phản ánh hơn 7.447 tin báo. |
Từ nhiều năm qua, thủ tục hành chính với những quy định phức tạp, khiến người dân phải đi lại vất vả nhiều lần, thậm chí là luồn lách để được ưu tiên giải quyết sớm. Chủ trương, quyết sách về cải cách thủ tục hành chính đã được đặt ra từ khá lâu với các giải pháp như: “một cửa”, “một cửa liên thông”, tăng cường đầu tư trang thiết bị, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn hiện tượng nhũng nhiễu, khiến người dân ngao ngán và tỏ ra không hài lòng. Lý do, dù có cải cách thủ tục tinh gọn hơn nhưng nếu thiếu sự minh bạch, thông suốt thông tin, những tồn tại vẫn sẽ tiếp tục diễn ra.
Nay, các cấp chính quyền bước thêm một bước nữa - tiến tới “một chạm” cũng đã là nỗ lực rất lớn. “Một chạm” ở đây chỉ là một cách gọi nôm na về việc minh bạch tiến độ, quy trình, chi phí các thủ tục hành chính công thông qua app.
Từ mô hình thông tin “một cửa” lên app không chỉ giúp tiết kiệm nguồn lực, chi phí rất lớn, mà quan trọng là giải quyết triệt để bài toán “lòng dân”.
Mà không riêng TPHCM, thực hiện chủ trương Chính phủ kiến tạo, các địa phương khác cũng đã chủ động làm. Tính đến tháng 9-2018, đã có hơn 30 tỉnh thành có chủ trương sử dụng ứng dụng Zalo vào cải cách hành chính, trong đó một số tỉnh thành như Đà Nẵng, Đồng Nai, Bình Thuận, An Giang, Tiền Giang, Bắc Ninh, Hà Tĩnh, Thái Bình, Quảng Ngãi, Đồng Tháp, Đắk Nông… đã chính thức công bố cổng thông tin hành chính công trên Zalo. Như ở Đồng Nai chẳng hạn, từ khi lên app, người dân không cần đến cơ quan hành chính mà vẫn có thể kiểm tra được tình trạng xử lý hồ sơ của mình, cũng không cần phải nhớ mã hồ sơ hay giữ biên nhận giấy như trước đây vì đã nhận được biên nhận điện tử có mã số qua ứng dụng. Khi nhân viên giải quyết công việc được phần mềm lưu vết. Các cấp quản lý có thể biết được nhân viên có hoàn thành công việc đúng thời hạn hay không. |
Có thể thấy, những chuyển động hướng đến mô hình chính quyền thông minh đang ngày một đồng đều và rộng khắp cả nước. Đó là điều đáng mừng khi các cơ quan Nhà nước biết khai thác tối đa lợi ích của công nghệ để phục vụ người dân.